VCF của Vinacafé Biên Hòa tăng mạnh nhất

   Khối lượng giao dịch tăng vọt với mức thanh khoản trên cả hai sàn đạt trên 1.000 tỉ đồng. Thị trường phiên ngày hôm nay cho thấy, tâm lý giới đầu tư đang hoảng loạn trước diễn biến bất lợi của thị trường, tiếp tục bán tháo mạnh mẽ cổ phiếu với giá trị thấp. Đồng thời cho thấy dấu hiệu giải chấp của các CTCK đang bắt đầu khi mà thị trường liên tục giảm điểm mạnh.

Giới đầu tư nhìn nhận, động thái giải chấp của các CTCK trong thời điểm này là bởi giá trị các cổ phiếu giao dịch trên thị trường đang suy giảm mạnh mẽ, CTCK buộc phải bán lượng cổ phiếu cầm cố của giới đầu tư để thu vốn đã cho vay với giới đầu tư. Điều đó có thể nhận thấy qua việc khối lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường tăng vọt trong 2 phiên gần đây với mức thanh khoản được đẩy lên đáng kể. Đây cũng có thể được xem là một trong những nguyên nhân khiến cho chỉ số tại hai sàn giảm mạnh. Và nếu các CTCK tiếp tục gia tăng hoạt động giải chấp trên thị trường, thì khả năng hai sàn sẽ tiếp tục giảm sâu trong những phiên tới.

 

 

 

 

Giao dịch ngày càng rơi sâu trong sắc đỏ

 


Diễn biến phiên giao dịch ngày hôm nay cho thấy khá rõ sự tác động của việc giải chấp khi mà sàn Hose để mất tới 15,23 điểm tương ứng với 3,65% giá trị, khiến 243/278 mã giao dịch rơi vào suy giảm mạnh. Toàn thị trường chỉ có 13 mã duy trì sắc xanh với mức tăng yếu ớt chỉ từ 100 đồng – 1.100 đồng/cổ phiếu. Tăng mạnh nhất là VCF của CTCP Vinacafe Biên Hòa với mức tăng lên tới 3.500 đồng/cổ phiếu. Trong 10 phiên gần đây, mã VCF chỉ giảm duy nhất 1 phiên và 1 phiên đứng giá, còn lại đều tăng với mức giá trần. Mức tăng với các mã còn lại tiếp tục ở nhóm midcap với các mã như KTB, NBB, TTP, VFG…

Thông tin khả năng sẽ thay đổi cách tính chỉ số Vn-index tiếp tục khiến cho giá trị các mã chủ lực suy giảm. Các mã BVH, EIB, PVD, VPL không còn giảm ở mức sàn, tuy nhiên mức giảm cũng khá lớn, BVH còn 72.000 đồng/cổ phiếu, VPL giảm xuống 54.000 đồng, EIB còn 14.700 đồng… Nhiều mã khác tiếp tục rơi xuống mức giá sàn như MSN giảm còn 88.000 đồng, HAG còn 31.200 đồng, VIC còn 102.000 đồng, VNM còn 98.000 đồng… VCB sau 3 phiên tăng liên tiếp lại quay đầu giảm tới 4 phiên, tại phiên này, VCB cũng giảm sàn, giá trị chỉ còn 27.200 đồng/cổ phiếu. Điều đó cho thấy, thông tin niêm yết bổ sung 1,6 tỉ cổ phiếu của VCB không ảnh hưởng mấy đến giá trị giao dịch của cổ phiếu này, một phần do cổ phiếu này chưa cho thấy rõ vai trò của nó trên thị trường, phần khác do thông tin về khả năng thay đổi cách tính chỉ số.

Vn-index chốt phiên chỉ còn 402,59 điểm sau khi để mất tới hơn 15 điểm trong toàn phiên. Mức thanh khoản tăng lên gần 703 tỉ đồng tương đương với hơn 39 triệu cổ phiếu. Giá trị thanh khoản có được ở phiên này là do lượng cổ phiếu bán tháo mạnh mẽ từ các nhà đầu tư và động thái giải chấp của CTCK.

Dù giảm mạnh giá trị nhưng SSI vẫn là mã giao dịch tích cực nhất trên toàn sàn với trên 3,1 triệu cổ phiếu, đứng đầu thị trường về mức thanh khoản. Là một trong số ít mã duy trì được mức giá tham chiếu, giá trị thanh khoản của STB đứng ngay sau đó với hơn 2,9 triệu cổ phiếu khớp lệnh thành công. Tiếp đó là REE và EIB, đạt lần lượt 1,9 và 1,8 triệu cổ phiếu. Duy nhất mã HAG trong nhóm, giao dịch chưa đến 1 triệu cổ phiếu.

 

 

 

 

Giới đầu tư hoảng loạn sau những phiên giảm sâu

 

Diễn biến tương tự cũng diễn ra trên sàn HNX, toàn phiên chỉ có 23 mã tăng giá, trong đó có 7 mã đạt mức giá trần như SDS đạt 18.900 đồng, GLT đạt 15.500 đồng, ARM 12.600 đồng, NHA đạt 14.700 đồng/cổ phiếu… các mã còn lại đều giảm mạnh. Bảng giao dịch thậm chí gần như một màu đỏ, có tới 193 mã giảm sàn. Mức giảm nhiều nhất lên tới 6,92% với mã HTC, các mã khác đều giảm trên 6% như SD5, DHT, VC1, PLC, RCL… HNX đang lùi dần về ngưỡng 70 điểm, mất tiếp 2,26 điểm tương ứng với 3,52% và dừng lại tại mức 71,88 điểm. Mức thanh khoản trên toàn thị trường đạt 365,8 tỉ đồng tương đương với gần 35,2 triệu cổ phiếu. Mức thanh khoản được cải thiện đáng kể so với các phiên trước.

Giao dịch tích cực với trên 3,4 triệu cổ phiếu, KLS trở thành mã có mức thanh khoản tốt nhất trên thị trường, giá trị giảm sàn còn 8.300 đồng/cổ phiếu, giảm tới 5,68% giá trị. Tiếp đó là VND với gần 2,5 triệu cổ phiếu, giá trị giảm còn 11.600 đồng; PVX với 2,2 triệu cổ phiếu, giá trị chỉ còn 10.000 đồng; HBB với 1,6 triệu cổ phiếu và PGS với gần 1,2 triệu cổ phiếu.

 

Bùi Tuyết

 

 

 

Others