Mùa đại hội cổ đông: Điểm mặt anh tài
  Năm 2012 được dự báo là không thuận lợi, nhưng vẫn có không ít doanh nghiệp mạnh dạn điều chỉnh tăng chỉ tiêu lợi nhuận ngay trong mùa ĐHCĐ 2012. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp cụ thể hóa lợi nhuận bằng việc chi trả cổ tức với mức cao ngất ngưởng.


Năm sau cao hơn năm trước

Hoạt động trong lĩnh vực ít chịu tác động bởi suy thoái kinh tế nên kết thúc năm tài chính 2011, CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đã chính thức vượt mốc 1 tỷ USD về doanh thu (tăng 37,2%). So với doanh thu, lợi nhuận sau thuế của Vinamilk tăng chậm hơn nhưng vẫn đạt hơn 16,6%, tương đương 4.218 tỷ đồng.

 

 

 

Vinacafé Biên Hòa hướng đến mục tiêu chiếm lĩnh 80% thị phần
cà phê hòa tan, 51% thị phần cà phê rang xay.

 

 


Tuy nhiên, nếu loại trừ ảnh hưởng của khoản lợi nhuận từ việc chuyển nhượng tài sản năm 2010, lợi nhuận sau thuế của năm 2011 vẫn đạt mức 30%.

Theo bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT Vinamilk, cột mốc 1 tỷ USD đạt sớm hơn 1 năm so với mục tiêu đã đề ra cho kế hoạch 3 năm 2011-2013. Từ nay, Vinamilk chính thức gia nhập vào đội ngũ các doanh nghiệp lớn của châu Á - Thái Bình Dương. Thế nhưng, mục tiêu phấn đấu của Vinamilk là trở thành 1 trong 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới với doanh số 3 tỷ USD vào năm 2017.

Trong bối cảnh kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, nhưng trong năm 2011 vừa qua, CTCP Vinacafé Biên Hòa (VCF) vẫn duy trì được mức tăng trưởng ổn định với doanh thu thuần đạt 1.585 tỷ đồng (tăng 21,8%), lợi nhuận sau thuế đạt 211 tỷ đồng (tăng 30,7%).

Mức tăng doanh thu thuần của VCF đến chủ yếu từ việc tăng giá bán sản phẩm. Việc tăng giá trong năm 2011 là yêu cầu bắt buộc khi các yếu tố đầu vào tăng mạnh, đặc biệt cà phê nguyên liệu. Tính trung bình năm 2011, giá cà phê nguyên liệu robusta và arabica tăng lần lượt 41% và 48% so với năm 2010.

Tuy nhiên, nhờ cải thiện được chi phí sản xuất, lợi nhuận của VCF vẫn tiếp tục tăng 51,7% so với kế hoạch 139 tỷ đồng. Lãi cơ bản của mỗi CP tăng 30,6% từ 6.079 đồng trong năm 2010 lên 7.943 đồng trong năm 2011.

Từ kết quả hết sức khả quan này, ĐHCĐ của VCF vừa được tổ chức ngày 21-4 tiếp tục thông qua các chỉ tiêu kế hoạch của năm 2012 cao hơn năm 2011, với doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 360 tỷ đồng. Thậm chí, lãnh đạo VCF còn mạnh dạn đề ra chỉ tiêu kế hoạch cho đến năm 2016 với doanh thu và lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước.

Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế năm 2013 là 4.500 tỷ đồng và 630 tỷ đồng, năm 2014 là 7.000 và 1.122 tỷ đồng, năm 2015 là 9.000 và 1.620 tỷ đồng, năm 2016 là 10.000 và 2.000 tỷ đồng. Theo ông Đoàn Đình Thiêm, Chủ tịch HĐQT, mục tiêu của VCF là thống lĩnh thị trường cà phê Việt Nam với 80% thị phần cà phê hòa tan, 51% thị phần cà phê rang xay và phấn đấu đấu lọt vào top 3 công ty niêm yết lớn nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống.

Năm 2011 được xem là năm bĩ cực của TTCK, phần đông các CTCK đã phải đối mặt với thua lỗ và đứng trước nguy cơ phá sản do sự suy giảm về doanh thu môi giới cũng như các khoản nợ xấu. Số CTCK có lãi trong năm vừa qua chỉ đếm trên đầu ngón tay, CTCK TPHCM (HCM) là một trong số ít đó.

Với doanh thu thuần tăng 12% và lợi nhuận ròng tăng 7% (tương đương 194 tỷ đồng), HCM được ghi nhận là CTCK có lợi nhuận cao nhất. Từ những dấu hiệu khởi sắc của TTCK trong thời gian gần đây, HCM đã đặt ra mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận năm 2012 từ 20-50% so với năm 2011.

Hấp dẫn cổ tức

Tình hình kinh doanh không mấy khả quan của năm vừa qua khiến phần lớn doanh nghiệp chi trả cổ tức rất thấp, thậm chí nhiều doanh nghiệp không trả cổ tức trong nhiều năm liền. Thế nhưng, vẫn có nhiều doanh nghiệp mạnh tay chi trả cổ tức cho cổ đông nhờ làm ăn hiệu quả. Dẫn đầu về tỷ lệ chi trả cổ tức trên TTCK tính đến thời điểm hiện nay là CTCP Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (HGM).

Theo kế hoạch, HGM sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền đợt 1 năm 2011 với tỷ lệ 50% và chuẩn bị thanh toán cổ tức đợt 2 thêm 30%, nâng tổng mức chi trả cổ tức lên 80%. Các doanh nghiệp có mức chi trả cổ tức năm 2011 cao ngất khác là CTCP Núi Đá Nhỏ (NNC) với tỷ lệ 70%; CTCP CNG Việt Nam (CNG) với tỷ lệ 70%, trong đó 60% được trả bằng tiền mặt và 10% trả bằng CP.

Danh sách các doanh nghiệp chi trả cổ tức cao còn có CTCP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Bình Thạnh (GIL) trả 60%, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (ABT) trả 60%, CTCP Công viên nước Đầm Sen (DSN) trả 52%, CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Cửu Long An Giang (ACL) trả 45%.

 CTCP Kỹ nghệ lạnh (SRF) trả 40%, CTCP Cáp treo Núi Bà Tây Ninh (TCT) trả 40%, CTCP Than Hà Tu (THT) trả 30%, CTCP Khoáng sản Bình Định (BMC) trả 30%, CTCP Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng (VTF) trả 30%, CTCP Kỹ thuật điện toàn cầu (GLT) trả 30%, CTCP Cao su Hòa Bình (HRC) trả 30%, CTCP Cảng Đoạn Xá (DXP) trả 30%/

 CTCP Xây dựng Hồng Phát (HPR) trả 25%, CTCP Bao bì PP Bình Dương (HBD) trả 25%, CTCP Đầu tư xây dựng thủy lợi Lâm Đồng (LHC) trả 25%, CTCP Kỹ thuật xây dựng Phú Nhuận (PNT) trả 25%, CTCP Dược phẩm Imexpharm (IMP) trả 22%, CTCP Sản xuất và Kinh doanh kim khí (KKC) trả 22%.

 

 

Hải Hồ

 

 

 

 

Others