TIN NỔI BẬT
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Vinacafé thành công nhờ “mưa dầm thấm sâu”
Dây chuyền chế biến cà phê hòa tan bằng công nghệ hiện đại của Công ty Vinacafé Biên H
Chiếm 50,4% thị phần cà phê hòa tan ở VN, cũng là doanh nghiệp có sản phẩm cà phê hòa tan xuất khẩu hàng đầu và đóng góp lớn nhất trong tổng lợi nhuận của Tổng Công ty Cà phê VN, hiện Vinacafé Biên Hòa được coi là doanh nghiệp mạnh nhất trong ngành chế biến cà phê.

Ngay sau Festival cà phê Buôn Ma Thuột, phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với Ông Phạm Quang Vũ, Phó Giám đốc Công ty Vinacafé Biên Hòa

. Phóng viên: Thưa ông, bằng cách nào mà sản phẩm của Vinacafé chiếm đến một nửa thị trường VN?

- Ông Phạm Quang Vũ: Không làm theo cách phô trương, rùm beng trong việc quảng bá thương hiệu, chúng tôi đi theo hướng khác, đó là “mưa dầm thấm sâu”. Chinh phục người tiêu dùng bằng chất lượng sản phẩm và hương vị đích thực cà phê.

Với cách làm này, hiện nay sản phẩm của chúng tôi đã trải rộng khắp cả nước với hơn 200 đại lý và đã được người tiêu dùng biết đến chất lượng của Vinacafé. Hay nói cách khác là Vinacafé rất tự tin vào vị thế vững chắc tại thị trường nội địa, bởi theo số liệu điều tra của một công ty chuyên nghiên cứu thị trường của Mỹ, sản phẩm cà phê hòa tan của Vinacafé Biên Hòa hiện chiếm 50,4% thị phần, kế đến là Nestlé VN với 33,2%, 16,4% còn lại là của nhiều thương hiệu khác.

. Đơn giản vậy sao, thưa ông?

- Đúng vậy, chỉ nghe nói thì anh cảm thấy quá đơn giản, nhưng khi làm không phải ai cũng có thể. Bởi, để có được sản phẩm chất lượng tốt, còn liên quan đến cả công nghệ chế biến và kinh nghiệm tích lũy hàng chục năm, đặc biệt đối với cà phê hòa tan. Thông thường, từ cà phê nguyên liệu mua về, các nhà chế biến chỉ cần xử lý các khâu: sàng lọc tuyển chọn, rang, tách kim loại, sau đó xay và đóng gói là có thể cho ra sản phẩm cà phê rang xay. Nhưng để cho ra sản phẩm cà phê hòa tan còn phải xử lý thêm nhiều công đoạn khác, như trích ly, xử lý dịch trích ly, cho bay hơi để dịch cô đặc lại, sau đó sấy phun, sấy tầng sôi và cuối cùng là sàng cho ra hạt cà phê hòa tan tròn mịn. Để xử lý được các khâu này đòi hỏi phải đầu tư công nghệ hiện đại, và hiện nay ở VN chỉ có 1-2 DN có thể làm được vì đầu tư một dây chuyền loại vừa (1.000 tấn/năm) phải tốn không dưới 15 triệu USD.

Riêng Vinacafé, ngay từ năm 1998, chúng tôi đã đột phá sử dụng công nghệ hiện đại này để chế biến cà phê hòa tan. Hiện nay 2 nhà máy có công suất 1.000 tấn/năm đã chạy hết công suất nhưng vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng từ nước ngoài.

. Tham gia Festival cà phê Buôn Ma Thuột vừa qua, giúp Vinacafé có cái nhìn nhận về thị trường như thế nào?

- Chúng tôi tham gia không chỉ với tư cách của một doanh nghiệp, mà còn được Tổng Công ty Cà phê VN giao nhiệm vụ phối hợp với UBND tỉnh Đắk Lắk để đồng tổ chức lễ hội. Trước đây, chúng tôi cứ quan niệm Đắk Lắk là “thủ phủ” của cà phê, là nơi cung cấp nguyên liệu cho chế biến cà phê bột, nên trong chiến lược kinh doanh của công ty, chúng tôi ít quan tâm thị trường này, vì cho rằng “không lẽ chở củi về rừng”. Qua “Buôn Ma Thuột Cà phê Festival”, chúng tôi thật bất ngờ. Tại hội chợ, Vinacafé có tổ chức gian hàng cho khách nếm thử loại cà phê hòa tan và đã rất “hút” khách. Lý do người tiêu dùng ở đây là những người trực tiếp trồng cà phê nên họ hiểu Vinacafé mang hương vị thật của cà phê. Nhiều người đã phản ứng khi hỏi mua hàng nhưng không có và cho Vinacafé là cà phê “chảnh”. Cuối cùng buộc chúng tôi phải điều thêm hàng lên, trái ngược với suy đoán ban đầu: Festival chỉ là nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm, không phải là nơi bán hàng.

. Như vậy, chiến lược kinh doanh của Vinacafé thời gian tới sẽ có sự thay đổi về mặt thị trường?

- Không phải sau festival, mà ngay từ trước chúng tôi đã xác định là đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm cà phê chế biến. Với những thị trường đã có, như Mỹ, Trung Quốc và các thị trường khác ở châu Á. Ngoài việc giữ vững để phát triển và tăng trưởng ổn định, chúng tôi còn tập trung khai thác triệt để vì nơi đây còn nhiều tiềm năng. Bước tiếp theo là sẽ khôi phục thị trường khối Đông Âu đã bị bỏ quên từ lâu.

Hiện chúng tôi đang đầu tư 26 triệu USD để xây dựng thêm nhà máy chế biến cà phê hòa tan, có công suất 3.200 tấn/năm tại Long Thành, Đồng Nai và sẽ đi vào hoạt động vào giữa năm 2007.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiếp tục phát triển thị trường trong nước theo định hướng: “Vinacafé - hương vị của thiên nhiên” đúng nghĩa về chất lượng, không làm mất đi hương vị tự nhiên của hạt cà phê VN nhằm đáp ứng nhu cầu thưởng thức cà phê cao cấp và an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

 

Nguồn: NLĐ - Gia Hy thực hiện

Tin khác