Một phần do thói quen, một phần do thiếu thông tin chính thống, hàng triệu người dân VN vẫn phải sử dụng thực phẩm “bẩn”. Hơn bao giờ hết, xã hội đang có nhu cầu bức thiết về thực phẩm sạch để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng văn minh và hơn thế, giữ gìn sức khỏe cộng đồng – một tài sản lớn nhất của quốc gia.
|
Theo các chuyên gia dinh dưỡng thực phẩm sạch là loại không sử dụng hóa chất, chất bảo quản độc hại hoặc đã nhiễm khuẩn trong quá trình bảo quản, chế biến. Thực phẩm sạch đảm bảo chất lượng cuộc sống bằng việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng và chăm sóc sức khỏe con người. Những thực phẩm có sử dụng phụ gia hóa chất, các chất độn gây nguy hại trực tiếp cho sức khỏe hoặc tiềm ẩn nguy cơ được coi là thực phẩm “bẩn”.
Tại những vùng thành thị, thực phẩm sạch được coi là “hàng hiếm”, nguồn thực phẩm nói chung chỉ một số ít được mua tại siêu thị hay cửa hàng chuyên bán rau, quả sạch. Lượng cung ứng chủ yếu là tại các chợ, hàng rong (không được kiểm định). Không khỏi rùng mình khi hàng ngày chúng ta vẫn phải hấp thụ một lượng thực phẩm bẩn như rau, quả, thịt, cá, đồ uống... không đảm bảo độ an toàn cho sức khỏe. Gần đây, hơn 38 tấn thực phẩm nhập khẩu của một Cty thực phẩm tại Bình Dương bị tiêu hủy bởi đã hết hạn sử dụng. Và trong tháng 8/2009, hơn 2.000 tấn thực phẩm đông lạnh chủ yếu là thịt gà và thịt heo bị giữ chân tại cảng Cát Lái do không có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của nhà sản xuất. Đó mới là trường hợp được báo chí phanh phui mổ xẻ.
Phần đông người tiêu dùng cho rằng thực phẩm tại chợ không thể “sạch” hơn trong siêu thị. Song, đi chợ đã trở thành thói quen và tiện lợi về thời gian nên việc đến siêu thị mua thực phẩm sạch chỉ hãn hữu. Vấn đề kinh tế cũng là một trong những nguyên nhân khiến người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm không được kiểm nghiệm bởi họ cho rằng nó hợp với túi tiền. Những người có thu nhập không cao xem thực phẩm sạch là thứ xa xỉ - mặc dù thực tế không hoàn toàn như vậy.
Mặt khác, một số người tiêu dùng bị ảnh hưởng từ những quảng cáo dụ dỗ. Đơn cử như một loại nước giải khát đang được quảng cáo rầm rộ trên thị trường rằng được chiết xuất từ rau, trái thiên nhiên. Dẫu vậy, nếu mang kiểm nghiệm, hỏi bao nhiêu % tinh chất tự nhiên như cam, bưởi, trà xanh... có trong sản phẩm đó ? Có khi quảng cáo còn gây nhiễu loạn thông tin. Thời gian này, truyền hình đang phát những clip quảng cáo gần liền cạnh nhau có liên quan đến khoai tây, sản phẩm này thì nói khoai tây “nóng”, sản phẩm kia bảo... “không sợ nóng”.
|
Với thức uống đã trở nên phổ biến và quen thuộc với nhiều thành phần, độ tuổi như cà phê cũng không khỏi “giật mình”. Thị trường cà phê đang có sự cạnh tranh gay gắt bởi nhiều loại cà phê góp mặt. Người tiêu dùng tiêu thụ khá nhiều và họ cho rằng đó là loại nông sản nguyên chất trong khi chỉ duy nhất Vinacafé là DN cam kết không sử dụng chất độn hay bất cứ hương liệu nhân tạo trong mỗi sản phẩm của mình.
Một tín hiệu đáng mừng khi tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM... đã có những phương án cung ứng thực phẩm sạch đến người tiêu dùng. Song, thiết nghĩ Nhà nước cần quản lý chặt chẽ hơn vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Không chỉ vì những khoản nộp ngân sách từ những DN sản xuất chế biến thực phẩm không an toàn mà quên rằng trong tương lai không xa nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe của cả cộng đồng. – một tài sản lớn nhất của quốc gia, và điều quan trọng hơn chính ở người tiêu dùng. Mỗi người cần có sự nhìn nhận thấu đáo về thực phẩm, không nên sử dụng những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hay chưa được kiểm định rõ ràng, nâng cao ý thức coi trọng sức khỏe, chất lượng cuộc sống, và khi đó thực phẩm rác sẽ tự đảo thải chính nó.
T. Lan
Theo: Diễn đàn doanh nghiệp
|