Tóm tắt về Chương trình Thương hiệu Quốc gia
1. Chương trình Thương hiệu Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2003, giao Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai. Chương trình hướng tới mục đích:
- Xây dựng hình ảnh về Việt Nam là một quốc gia có uy tín về hàng hoá và dịch vụ đa dạng, phong phú với chất lượng cao.
- Nâng cao sức cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế trong quá trình hội nhập. Khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghiệp chế biến, giảm tỷ trọng xuất khẩu nguyên liệu thô. Tăng cường sự nhận biết của các nhà phân phối và người tiêu dùng trong và ngoài nước đối với các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.
- Xây dựng hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo". Tăng thêm uy tín, niềm tự hào và sức hấp dẫn cho đất nước và con người Việt Nam, góp phần khuyến khích du lịch và thu hút đầu tư nước ngoài.
2. Ba đặc điểm chính của Chương trình:
- Chương trình Thương hiệu quốc gia là chương trình duy nhất do Chính phủ Việt Nam tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, Thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm. Các thương hiệu trên phải cùng chia sẻ và theo đuổi những giá trị mà quốc gia hướng tới trong giai đoạn hội nhập hiện nay: Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo.
- Chương trình không phải là một giải thưởng thương hiệu. Việc lựa chọn các thương hiệu sản phẩm đủ tiêu chuẩn gắn biểu trưng Thương hiệu quốc gia chỉ là sự khởi đầu để các doanh nghiệp trở thành đối tác của chương trình.
- Nhà nước không làm thay cho doanh nghiệp nhưng sẽ đứng ra bảo trợ cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu của mình ra thế giới.
3. Chương trình gồm hai nội dung chính:
- Thứ nhất: Giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực trong việc xây dựng, quảng bá, phát triển, bảo vệ thương hiệu;
- Thứ hai: Lựa chọn các thương hiệu tiêu biểu của Việt Nam tham gia chương trình. Nhà nước sẽ cùng với các doanh nghiệp xây dựng các chương trình hành động cụ thể để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn, hướng tới ba giá trị cốt lõi "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo" và quảng bá hình ảnh Việt Nam gắn với các giá trị này trên thị trường trong nước và thế giới tới các đối tượng mục tiêu.
4. Trong thời gian vừa qua, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã tích cực chỉ đạo Ban Thư ký chương trình Thương hiệu quốc gia (Cục Xúc tiến thương mại) và các cơ quan liên quan tập trung triển khai hai nội dung chính của Chương trình:
Đối với nội dung thứ nhất, Ban Thư ký chương trình đã chủ trì và phối hợp với nhiều cơ quan chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, giới truyền thông tổ chức các hoạt động nhằm mục đích nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp đối với vấn đề xây dựng thương hiệu trong đó có việc tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị, các lớp tập huấn, đào tạo, phát hành các ấn phẩm tuyên truyền kiến thức về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu cho các doanh nghiệp. Kết quả đã góp phần tích cực tăng cường nhận thức về thương hiệu trong cộng đồng doanh nghiệp cả nước, định hướng cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu một cách đúng đắn.
Căn cứ điều lệ Cuộc thi thiết kế biểu trưng và hệ thống nhận diện Chương trình Thương hiệu quốc gia và ý kiến đề xuất của Hội đồng giám khảo cuộc thi (gồm nhiều chuyên gia về mỹ thuật và thương hiệu hàng đầu Việt Nam) ngày 29/2/2008, Bộ Công Thương đã ban hành quyết định số 1248/QĐ-BCT phê duyệt biểu trưng chính thức của Chương trình Thương hiệu quốc gia, do tác giả Quách Công Tân thiết kế.
Biểu trưng thương hiệu quốc gia bao gồm phần hình ảnh và phần chữ. Phần hình ảnh thể hiện cách điệu những cánh chim hạc, thiết kế theo phong cách hiện đại, đang tung bay về bốn hướng. Những cánh chim hạc xếp như hình một bông hoa đang nở, thể hiện sự phát triển không ngừng của đất nước nói chung và nền kinh tế nói riêng. Những cánh chim hạc vừa thể hiện sự kế thừa lịch sử, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, vừa thể hiện sự thống nhất trong ý chí và quyết tâm đưa hình ảnh đất nước, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam ra khắp thế giới. Phần chữ gồm hai chữ Vietnam Value (Giá trị Việt Nam), đề cập tới ba giá trị "Chất lượng - Đổi mới, sáng tạo - Năng lực lãnh đạo" là những yếu tố trụ cột của Chương trình - những giá trị nền tảng đối với sự phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.
Đối với nội dung thứ hai, trên cơ sở học tập kinh nghiệm từ các mô hình của nước ngoài, Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã chỉ đạo xây dựng được một hệ thống tiêu chí khoa học và phù hợp với thực tiễn Việt Nam để lựa chọn các thương hiệu sản phẩm tham gia Chương trình. Các thương hiệu Việt Nam được lựa chọn tham gia chương trình phải là thương hiệu có uy tín với khách hàng, có định hướng phát triển bền vững, có chính sách và kế hoạch phát triển thương hiệu cụ thể và lâu dài, có nguồn lực để phát triển, đồng thời cam kết và quyết tâm hướng tới các giá trị của Chương trình.
- Trong thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tích cực phổ biến các tiêu chuẩn của Chương trình, vận động và hướng dẫn các doanh nghiệp tiềm năng trên cả nước đăng ký tham gia thông qua Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, hệ thống các Sở Thương mại tại các địa phương, các Hiệp hội ngành hàng, các câu lạc bộ doanh nghiệp, doanh nhân.
- Trong số trên 1000 doanh nghiệp đăng ký tìm hiểu tham gia Chương trình, Vòng 1 đã chọn được 156 doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, thực hiện tốt các trách nhiệm về đóng thuế, thủ tục hải quan, môi trường, bảo hiểm xã hội đối với người lao động.
- 106 trong số 156 doanh nghiệp sơ tuyển nói trên thỏa mãn hoàn toàn tất cả các tiêu chí sàng lọc để tiếp tục vào Vòng 2, sau khi được Ban thư ký Chương trình tiến hành kiểm tra hồ sơ với các cơ quan quản lý nhà nước: Tổng Cục tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học & Công nghệ), Tổng Cục thuế, Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính), Tổng Cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Cục Bảo vệ Môi trường (Bộ Tài nguyên Môi trường), Vụ Lao động việc làm (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm Thông tin tín dụng (Ngân hàng Nhà nước), Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y Tế).
- Tại Vòng 2, Bộ Công Thương đã mời các chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong các ngành hàng hóa và dịch vụ tham gia Hội đồng các Ban chuyên gia để thẩm định hồ sơ, đồng thời tổ chức thẩm tra trực tiếp tại doanh nghiệp theo từng chuyên ngành. Để đảm bảo tính khách quan, Ban thư ký Chương trình cũng đã thuê Công ty nghiên cứu thị trường hàng đầu tại Việt Nam Taylor Neilsen Sofres (TNS) điều tra xã hội học, nghiên cứu người tiêu dùng về mức độ nhận biết đối với 106 thương hiệu và xếp hạng mức độ nhận biết tích cực đối với từng thương hiệu trên phạm vi cả nước.
- Sau khi tổng hợp kết quả nghiên cứu thị trường, kết quả đánh giá hồ sơ và thẩm tra thực địa, Hội đồng các Ban chuyên gia đã họp, 100% chuyên gia được triệu tập đã nhất trí thông qua 30 thương hiệu sản phẩm của 30 doanh nghiệp có đủ điều kiện tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia.
- Căn cứ nhiệm vụ của Hội đồng Thương hiệu Quốc gia (được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 259/2005/QĐ-TTg ngày 21/10/2005 và Quyết định số 250/2006/QĐ-TTg ngày 31/10/2006), Bộ Công Thương đã chủ trì cuộc họp Hội đồng Thương hiệu quốc gia và gửi công văn số 1078/XTTM-BCT ngày 31/1/2008 lấy ý kiến các thành viên Hội đồng thông qua danh sách các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình. Kết quả 100% ý kiến đồng ý thông qua danh sách.
- Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Chủ tịch Hội đồng Thương hiệu quốc gia đã ký quyết định số 1980/QĐ-BCT ngày 28/3/2008 công nhận danh sách các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình Thương hiệu quốc gia đợt I (danh sách kèm theo).
5. Lễ công bố các thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia đợt I Chương trình Thương hiệu Quốc gia đã được tổ chức long trọng vào ngày 17 tháng 4 năm 2008 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Tại buổi lễ, Lãnh đạo Chính phủ trao biểu tượng Thương hiệu Quốc gia cho các doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm được lựa chọn tham gia Chương trình.
6. Tham gia vào Chương trình, doanh nghiệp sẽ được hưởng một số quyền lợi, nhưng cũng đồng nghĩa với việc tự thân doanh nghiệp đã cam kết sẽ liên tục tự hoàn thiện mình, quyết tâm xây dựng và triển khai các chương trình hành động trong doanh nghiệp theo những giá trị của Chương trình. Hai năm một lần, các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp sẽ được Chương trình đánh giá lại. Chỉ những thương hiệu đáp ứng đủ tiêu chí mới được tiếp tục tham gia Chương trình. Các đơn vị vi phạm các tiêu chí, quy định của Chương trình sẽ không được tiếp tục tham gia.
7. Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 20 tháng 4 hàng năm là "Ngày Thương hiệu Việt Nam" nhằm tôn vinh, quảng bá thương hiệu và hình ảnh Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo: vietrade.gov.vn