TIN NỔI BẬT
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Thị trường Côn Minh, Trung Quốc: Còn cơ hội cho hàng Việt?
Thông qua dịp tham dự hội chợ Côn Minh, Trung Quốc từ ngày 6 đến 11.6.2004, doanh nghiệp Việt Nam đã tiến hành khảo sát thị trường để biết rõ điểm yếu, điểm mạnh của mình, tìm cơ hội kinh doanh mới. Theo chân các doanh nghiệp, phóngviên SGTT đã ghi nhận một số thực tế tại thị trường này.

Dù đã biết giá hàng hoá của Trung Quốc là cực rẻ, thế nhưng ông Thái Hùng, giám đốc công ty may Tây Đô vẫn cứ bất ngờ khi khảo sát chợ Ốc - chợ đầu mối về hàng may mặc, da giày ở Côn Minh.

Chiếc balô giá 5 tệ

Quần áo, hàng dệt may, vải sợi, giày dép... ở đây hầu hết đều rẻ đến mức không thể nào rẻ hơn được nữa. Những bảng giá 5 tệ (1 tệ = 2.000 đồng VN), 10 tệ, 20 tệ... cho mỗi bộ quần áo, giày dép trên các kệ, trong các cửa hàng nói lên điều đó. Giá không chỉ rẻ đối với những mặt hàng thông thường, mà cả với những mặt hàng cao cấp. Tại một shop khá sang trọng, những người trong đoàn khảo sát mua liền bốn bộ veste để làm quà, với giá mỗi bộ veste (nữ) 150 tệ, có bộ giá chỉ 120 tệ gồm một áo veste, một áo gi lê, một chiếc váy và một chiếc quần dài. Thế mà, những người quen thuộc thị trường ở đây còn bảo: Tại không chịu trả giá, nếu chịu khó trả giá có khi chỉ còn 2/3.

Ông Thái Hùng lắc đầu: Cạnh tranh về giá và cả mẫu mã, hàng may mặc Việt Nam quả thật khó có "cửa" ở thị trường này.

Hàng bán ở các cửa hàng xôn giá còn rẻ ngoài mức tưởng tượng. Có những chiếc balô mới tinh, được may khá phức tạp với hàng chục ngăn, mỗi ngăn đều có dây kéo bán với giá... 5 tệ. Có người nhẩm tính: Chỉ tính tiền mua dây khoá kéo thôi cũng đã hơn cả tiền bán.

Một hệ thống phân phối hoàn chỉnh

Do là thủ phủ của tỉnh Vân Nam rộng lớn nên ở Côn Minh, hầu như mỗi ngành hàng đều có chợ đầu mối để phân phối đi các địa phương trong tỉnh và cả những tỉnh lân cận. Quy mô của những chợ đầu mối ở đây rất lớn, cả về diện tích lẫn  khối lượng hàng hoá giao dịch. Chẳng hạn như chợ Quảng Phong,  do tư nhân quản lý, nơi bán buôn bánh kẹo, thực phẩm và hàng bách hoá  có diện tích lên tới gần 300.000m²,  chia thành 3.200 gian hàng với hơn 2.000 hộ kinh doanh. Doanh số bán buôn hàng lên tới 2 tỉ nhân dân tệ/năm.

 Côn Minh cũng có một hệ thống siêu thị khá hoàn chỉnh với 12 siêu thị của 5 hệ thống siêu thị có tên tuổi trên thế giới. Đó là Wal-Mart, Carrefour, N-mart, Price-mart và Trust-mart. Gía hàng hoá trong các siêu thị lớn rẻ hơn bên ngoài chừng 2-3% do được cung cấp với giá đặc biệt.

Tại các siêu thị này, giá nhiều loại hàng hoá khác cũng rẻ hơn cả lời đồn. Đặc biệt là các mặt hàng điện máy điện tử, đồ chơi trẻ em... tại Wal-Mart. Có người "hốt" cả chục hộp đựng đĩa CD với giá 4 tệ/cái (chứa được 40 đĩa), nửa tá điện thoại bàn giá 10 tệ /cái, vớ (15 đôi/lố) với giá 9,9 tệ /lố, bút bi 2 tệ /chục cây... để mang về Việt Nam.

Ở Carrefour, giá đầu DVD có loại chưa tới 200 tệ, tivi 29 inch màn hình phẳng hiệu Philips giá 1.998 tệ, tivi 34inch Skyworth: 5.359 tệ, Samsung màn hình phóng 43 inch: 9.800 tệ...

Christophe Zhang, giám đốc tiếp thị hệ thống Carrefour cho biết: "95% hàng bán trong siêu thị là hàng nội địa. Cạnh tranh của các hệ thống siêu thị hiện nay tại Côn Minh đã mang đến cho người tiêu dùng những mức giá tốt nhất. Mỗi ngày, nhân viên của các hệ thống siêu thị khác đều đến siêu thị chúng tôi để ghi nhận giá và chúng tôi cũng làm điều tương tự đối với họ".

  Zhang cho biết thêm: "Với các mặt hàng thực phẩm chế biến ăn liền, hàng tươi sống... chúng tôi có những quy trình hoàn chỉnh để đào tạo, tập huấn và theo dõi đối với nhà cung cấp trong quá trình nuôi trồng và chế biến để sản phẩm đạt tiêu chuẩn  của hệ thống của chúng tôi".

Và những ly cà phê miễn phí

Cách đây đúng một năm, Mai Trường Giang, một nhân viên năng nổ, giỏi tiếng Hoa, và cả tiếng Anh của Vinacafé đã khăn gói sang Côn Minh "thường trú" và làm thị trường. Người Côn Minh ít có thói quen uống cà phê. "Không hề gì, cứ bắt đầu tập cho họ uống vậy", Giang nói. Thế là từng ngày, một đội ngũ tiếp thị gồm 4 người địa phương của Vinacafé đi đến từng quán trà, quán giải khát, nhà hàng... để mời từng người uống cà phê miễn phí. Song song với động thái tiếp thị này, là công việc thâm nhập thị trường. Lần lượt mỗi góc của  thành phố Côn Minh, Giang thành lập một đại lý bán hàng. Từ đó, những gói sản phẩm của Vinacafé được đội ngũ tiếp thị "phủ" đến các điểm bán lẻ theo kiểu đan lưới. Kết quả là, 4 tháng đầu năm 2004, doanh số tiêu thụ ở thị trường Côn Minh của Vinacafé đạt hơn 4 tỉ đồng. Ngoài Vinacafé còn có Vạn Thành, Biti's, Trung Nguyên và mới đây có dầu nhớt Vilube... đã từng bước thâm nhập  thành công ở thị trường này

Trung Quốc đã là một thành viên WTO,  nên những hàng rào về thuế, kỹ thuật đối với những nước chưa phải là thành viên WTO như Việt Nam vẫn là những trở ngại chính. Ông Trần Tuấn Thông, giám đốc kinh doanh công ty Nutifood cho biết: "Mặt hàng thực phẩm vào Trung Quốc bằng con đường chính ngạch thì các khoản thuế, lợi nhuận cho nhà phân phối, bán lẻ... sẽ làm cho giá sản phẩm bán ra ở đây cao hơn gần 60% so với Việt Nam...".

Không thể ảo tưởng Trung Quốc là một thị trường dễ tính, và cũng không thể kỳ vọng vào những chuyến hàng nhỏ lẻ "đánh" bằng con đường biên mậu, né thuế, trốn kiểm dịch. Doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu kỹ thị trường, chọn đúng phân khúc thị trường để khai thác, mới hy vọng thành công ở thị trường này.

Nguồn: Sài Gòn Tiếp Thị
Tin khác