Nhân hiệu và thương hiệu quốc gia
Buổi hội thảo "Ngày hội thông tin giao lưu với sinh viên" trong khuôn khổ "Cuộc thi sinh viên khởi nghiệp 2007" do Báo DĐDN tổ chức ngày 4/8/2007 vừa qua đã diễn ra sôi nổi đến phút cuối. Đặc biệt, phần giao lưu với các DN đã kết thúc trong sự nuối tiếc của nhiều sinh viên vì thời gian hạn chế. Là một người rất tâm huyết với thế hệ trẻ, ông Nguyễn Thanh Tùng - Giám đốc Marketing Vinacafé Biên Hòa đã gửi tới BBT bài viết về kinh nghiệm marketing trên thương trường.
"Nhân hiệu là gì và nó khác với thương hiệu như thế nào?" Đây là một trong những câu hỏi mà các bạn sinh viên đặt ra trong phần giao lưu. Đã từng là sinh viên tôi rất chia sẻ với mong muốn học hỏi của các bạn, nhưng lại băn khoăn một điều về cách thức đào tạo của chúng ta. Có một khoảng cách khá xa giữa những gì các bạn sinh viên được học hỏi ở trường và thực tế làm việc sau này.
Chúng ta cung cấp cho sinh viên quá nhiều khái niệm không cần thiết trong khi thiếu những bài học thực tế. Tôi đánh giá cao cuộc thi "Sinh viên khởi nghiệp" do Báo DĐDN tổ chức vì đây là một trong những chương trình hữu ích, giúp các bạn sinh viên cọ xát thực tế khi tự bắt tay vào xây dựng một dự án khởi nghiệp cho mình và cơ hội học hỏi từ các doanh nhân đã thành đạt.
Ca sĩ Nguyễn Ngọc Anh - Giải nhất Liên hoan Giọng hát vàng Asean 2008 trong trang phục áo dài truyền thống
Thử hỏi liệu bạn có phải băn khoăn khi lựa chọn giữa hai sản phẩm giống hệt nhau nếu một thứ ghi "Made in Japan" và thứ kia ghi "Made in China". Ngày nay, người tiêu dùng VN tin tưởng vào các sản phẩm có xuất xứ từ Nhật và ngược lại với các sản phẩm của Trung Quốc. Tuy nhiên bản thân chữ "Made in Japan" không có ý nghĩa nếu các thương hiệu riêng của Nhật như Sony, Toyota... đã không dày công xây dựng uy tín cho riêng mình. Vấn đề ở chỗ, quy định về ghi nhãn mác sản phẩm ở VN cũng như nhiều nước khác, (tên quốc gia) xuất xứ của hàng hoá phải được ghi rõ thì việc ghi trên bao bì sản phẩm dòng chữ "Made in Vietnam" là đương nhiên. Thực tế cho thấy, không ít hàng hoá của chúng ta khi xuất khẩu đã bị trả về. Do đó cùng với dòng chữ đó cần thêm một dấu hiệu khác để khẳng định về việc đạt chuẩn quốc gia và quốc tế về chất lượng hàng hoá. Đối với nhiều thương hiệu VN, để có thể vượt qua biên giới, đã chọn cho mình cách thức bén rễ rồi mới mọc cành. Tức là nổi tiếng trong nước trước để tạo tiền đề cho xuất khẩu. Đây là cách làm được coi là căn cơ. Tuy nhiên với tỷ lệ DN ngoài quốc doanh cao, tỷ lệ chọn hướng xây dựng "nhân hiệu" khá lớn. Nhiều doanh nhân khi khởi nghiệp đã chọn cho mình con đường xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn liền với hình ảnh cá nhân. Có vẻ như cách làm này không phù hợp trong bối cảnh: "thế giới phẳng" dần. Tại sao? Chúng ta đều hiểu rằng con người khác hẳn với hàng hóa. Con người là một yếu tố cấu thành xã hội. Một con người cụ thể luôn gắn với một xã hội, một dân tộc, một thể chế chính trị... Trong khi hàng hóa lại phải quốc tế hóa mới mong có mặt ở nhiều nơi trên thế giới. Do đó, nếu theo con đường xây dựng nhân hiệu sẽ gặp rào cản khi ra thế giới. Có thể sử dụng một nét văn hoá độc đáo để tạo sự khác biệt trong cạnh tranh nhưng sử dụng lòng tự hào dân tộc đôi khi lại tự bó mình lại. Chúng ta thích khẩu hiệu "Nâng niu bàn chân Việt" của Biti’s, nhưng liệu Biti’s có mang nó sang Mỹ hay một quốc gia khác để quảng cáo được không? Còn không ít những lưu ý khác đối với những thương hiệu VN khi ra thị trường nước ngoài. Nhưng nói chung, để hàng hoá VN có mặt khắp thế giới, thiết nghĩ mỗi DN cần lựa chọn cách thức xây dựng thương hiệu độc đáo của riêng mình trên tinh thần ý thức rõ trách nhiệm đối với thương hiệu quốc gia: uy tín chung của các sản phẩm "Made in Vietnam". Không hô hào suông, chúng ta hãy cùng hành động.
Theo: Others
|