TIN NỔI BẬT
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Hội nhập thương mại quốc tế: Tránh cảnh ''gà nhà đá nhau''
115 doanh nghiệp trong ngành này đã thực hiện nghiêm túc việc kê khai hồ sơ theo yêu cầu của nguyên đơn và đồng thuận trong quan điểm “Doanh nghiệp Việt Nam chỉ chuyên gia công hàng xuất khẩu và không có quyền quyết định giá bán vào thị trường EU nên không thể bị xem là bán phá giá”. Nếu mỗi doanh nghiệp tự mình bảo vệ mình bằng những biện pháp tự vệ đơn lẻ thì có thể tình thế đã khác bây giờ. Tinh thần đoàn kết của các doanh nghiệp ngày càng được đề cao trong quá trình hội nhập. Tiếc thay sự đồng thuận này không phải là nhiều.

Trường hợp của ngành chế biến cà phê xuất khẩu Việt Nam là một ví dụ về tình trạng mạnh ai nấy làm. Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Marketing của Công ty Vinacafé cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang đua nhau lao vào lĩnh vực sản xuất, chế biến xuất khẩu, đặc biệt là cà phê hoà tan. Theo phân tích của ông Tùng, đó là vì họ nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của một số doanh nghiệp đứng đầu về thị phần cà phê hoà tan nên cũng muốn tham gia lĩnh vực này, mà không biết được rằng, xu hướng tiêu dùng cà phê Việt Nam đang giảm so với các loại đồ uống khác, trong đó cà phê hoà tan năm 2004 giảm 9,7% so với năm 2003. Theo ông Tùng, các doanh nghiệp trong nước đừng nên chạy đua vì mối lợi trước mắt, mà nên hợp lực cùng nhau để nâng cao chất lượng cà phê, cùng nỗ lực đưa hương vị cà phê Việt Nam ra thị trường quốc tế.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu của Việt Nam cũng đang trong tình trạng bị đe doạ kiện chống bán phá giá vào bất cứ lúc nào. Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ và thủ công mỹ nghệ cho biết, hiện nay đồ gỗ Việt Nam đã xuất khẩu sang 120 nước. Việt Nam đang nổi lên như một nước sản xuất đồ gỗ đầy tiềm năng trên thế giới, một ngành đáng để quan tâm và đầu tư đúng mức. Vấn đề đặt ra là phải đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành, theo kịp trình độ và đủ sức cạnh tranh ngang bằng trên thị trường thế giới, trong đó có cả vấn đề “chống bán phá giá”, ông Mạnh cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành nên có sự liên kết chặt chẽ với nhau hơn trong việc thông tin về thị trường xuất khẩu, đừng vì sợ đối thủ cạnh tranh mà giấu diếm thông tin lẫn nhau, vì điều này hại nhiều hơn lợi.

Hiện nay, Việt Nam đang trong giai đoạn mà theo TS.Đinh Thị Mỹ Loan, Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh nhận định là “thách thức về cạnh tranh trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam càng lúc càng gia tăng ở cả 3 cấp độ: sản phẩm, doanh nghiệp và quốc gia, trong khi chỉ số năng lực cạnh tranh quốc gia vẫn còn ở mức thấp”. Đây cũng là điều mà các doanh nghiệp nên lưu ý. Bà Loan lo ngại nếu không nhanh chóng cải thiện năng lực cạnh tranh ở cả 3 cấp độ nêu trên thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Bà Loan cũng nhấn mạnh xu hướng đáng quan tâm là hiện nay các doanh nghiệp trong một ngành nghề thường cạnh tranh hơn là hợp tác, nhất là lúc bước ra thị trường nước ngoài và ngày càng có nhiều ngành nghề kinh doanh đang thua trên sân nhà.

Phân tích rõ hơn, bà Loan cho biết, ở thị trường trong nước mà nhiều doanh nghiệp thường “trìu mến” gọi là “sân nhà” hiện nay không chỉ có sự cạnh tranh giữa hàng hoá sản xuất trong nước với nhau, mà còn có sự góp mặt của hàng hoá, dịch vụ nhập khẩu. Áp lực này ngày càng gay gắt cùng với quá trình hội nhập. Có thể thấy rất rõ điều này ở lĩnh vực hàng điện tử gia dụng, khi mà lộ trình AFTA dành cho mặt hàng điện tử gia dụng nhập khẩu mức thuế suất mềm hơn thì cũng là lúc ngành điện tử trong nước gần như không có mặt tại các thị trường lớn ngay trên sân nhà. Rõ ràng, lợi thế sân nhà không còn là yếu tố cạnh tranh.

Ra nước ngoài, hàng Việt Nam lại càng thua thiệt trông thấy, bởi hàng loạt rào cản thương mại như chống bán phá giá, trợ cấp mà nhiều mặt hàng chủ lực của ta đã gặp phải. Tuy hiện nay, Mỹ vừa ra quyết định bãi bỏ Luật chống bán phá giá (còn gọi là tu chính án Byrd) nhưng không có nghĩa là áp lực cạnh tranh không còn, bởi châu Âu cũng là thị trường mà Luật chống bán phá giá vẫn đang tồn tại.

Ông Hồ Hữu Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Mai Linh thừa nhận, cạnh tranh là vấn đề bình thường trong hoạt động thương mại, song cạnh tranh bằng giảm giá hoặc bán phá giá nhằm triệt hạ những doanh nghiệp mới ra đời theo kiểu “thương trường là chiến trường” đã gây bất lợi cho tất cả các doanh nghiệp và làm ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh.

Trở lại kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện quốc tế và vấn đề cạnh tranh trong hội nhập, ông Nguyễn Đức Thuấn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da Giầy Việt Nam nhấn mạnh, trước hết vẫn là tinh thần đoàn kết giữa các doanh nghiệp, vì một khi đã vướng phải những rào cản thương mại thì không riêng doanh nghiệp nào, mà cả ngành công nghiệp đều bị thiệt hại.

(Nguồn: ĐTCK)
Tin khác