Diễn biến giá cổ phiếu trên thị trường OTC
Sự kiện Sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chính thức đi vào hoạt động từ 14-7-2005 có lẽ chưa ảnh hưởng nhiều đến hoạt động giao dịch cổ phiếu của các công ty chưa niêm yết, khi mà danh sách cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán Hà Nội chỉ có 6 công ty. Trong đó, ngoại trừ Thủy điện Vĩnh Sơn-Sông Hinh và Điện lực Khánh Hòa có cơ hội trở thành những cổ phiếu có tính thanh khoản khá do quy mô vốn lớn, hoạt động trong một lĩnh vực ổn định và có cổ đông rộng rãi, các công ty còn lại hầu như rất ít được giới đầu tư quan tâm. Trở lại với diễn biến trên thị trường OTC 6 tháng đầu năm 2005, có thể thấy rằng nhóm cổ phiếu các ngân hàng được giới đầu tư quan tâm nhiều nhất và có tính thanh khoản rất tốt. Ngoài các cổ phiếu đã khẳng định tên tuổi trong những năm trước như cổ phiếu Sacombank và cổ phiếu ACB, các cổ phiếu của Eximbank, Techcombank, Ngân hàng Quân Đội, Ngân hàng Đông Á,... cũng có nhu cầu mua bán khá lớn. Sự kiện cổ phiếu của các ngân hàng được quan tâm xuất phát từ khả năng sinh lời rất hấp dẫn của ngành ngân hàng trong những năm gần đây. Điều này thể hiện qua việc tỷ suất ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) của các ngân hàng cổ phần nói trên đều đạt trên 20%/năm, mặc dù các ngân hàng cổ phần đã liên tục tăng vốn điều lệ. Mặt khác, việc các tổ chức đầu tư tài chính rất quan tâm đến cổ phiếu ngành ngân hàng khiến cho nhu cầu đối với mặt hàng này càng tăng. Mặc dù nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng là tâm điểm trên thị trường OTC trong 6 tháng đầu năm nhưng đây không phải là nhóm cổ phiếu tăng giá mạnh nhất. Nhóm cổ phiếu được quan tâm không kém và có giá tăng mạnh nhất là cổ phiếu của các công ty đã cổ phần hóa trong các năm 2003, 2004 như Vinamilk, Dược Hậu Giang, Bảo vệ thực vật An Giang, Domesco Đồng Tháp, TIE và VinaCafe. Nguyên nhân tăng giá của các cổ phiếu trên là do các công ty đều hoạt động kinh doanh có hiệu quả cao, quy mô của công ty lớn và có triển vọng phát triển tốt. Tuy nhiên, lượng cung của các cổ phiếu trên hiện nay khá thấp. Trong 6 tháng đầu năm, cổ phiếu của hai nhóm ngành đường và thủy điện cũng được khá nhiều nhà đầu tư quan tâm. Với ngành đường, nhờ giá đường tăng và nhà nước bù lỗ nên mức sinh lời của các công ty sản xuất, kinh doanh đường trong năm 2004 khá cao. Mức giá cổ phiếu Đường Biên Hòa từ khoảng 80% mệnh giá trong năm 2004 đã tăng lên khoảng 110% mệnh giá như hiện nay. Một xu hướng mới trên thị trường OTC là các công ty chứng khoán đã tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của thị trường và đóng vai trò môi giới, tạo lập thị trường một cách không chính thức đối với một số loại cổ phiếu. Nhờ vậy, mức độ rủi ro trên thị trường OTC đã giảm đáng kể. Như vậy, sự lớn mạnh không ngừng của thị trường OTC trong thời gian qua đã tạo nên một sự cạnh tranh gay gắt với thị trường chính thức trong việc thu hút vốn. Có lẽ điều này càng khiến cho các nhà quản lý thị trường chứng khoán đau đầu bởi lẽ 6 tháng đầu năm 2005 mới chỉ có thêm 4 doanh nghiệp tham gia niêm yết cổ phiếu. Theo SGTT
Tin khác
|