TIN NỔI BẬT
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Chưa tận dụng cơ hội để tạo đột phá trong xuất khẩu

Đây là một trong 6 điểm yếu mà doanh nghiệp xuất khẩu chưa quan tâm triệt để: khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn hạn chế, công tác xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc, hiệu quả chưa cao.

 

Sau 3 năm hội nhập, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam đã có nhiều điểm sáng, kim ngạch xuất khẩu đã tăng từ 48,6 tỷ USD năm 2007 lên 57,1 tỷ USD năm 2009. Một điểm đáng mừng là thị trường xuất khẩu của Việt Nam đa dạng hơn và Việt Nam đã thâm nhập sâu hơn vào các thị trường trọng yếu trên thế giới, như: Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản…; năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên các thị trường trọng yếu tăng đáng kể với nhiều mặt hàng chủ lực như than đá, hạt điều, gạo… Hàng hóa của Việt Nam đã được mở rộng đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhiều nhóm hàng sử dụng lượng lao động lớn như dệt may, da giày, điện tử đã được hưởng lợi từ việc gia nhập WTO.

Tuy vậy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu bình quân hàng năm trong 2 năm 2007-2008 là 25,5% và trong 3 năm 2007-2009 là 12,8%, trong khi mức tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn trước khi gia nhập WTO (2004-2006) đạt tới 25,5%. Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp phần nào đã không tận dụng được cơ hội hội nhập để tạo sự bứt phá trong hoạt động xuất khẩu.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, xuất khẩu chưa có bước phát triển thực sự. Bằng chứng là tăng trưởng xuất khẩu năm 2007 thấp hơn 3 năm trước, tăng trưởng xuất khẩu năm 2008 cao hơn 4 năm trước chủ yếu do giá tăng. Năm 2009 kim ngạch xuất khẩu giảm 8,9%, dù đã tăng về lượng nhưng do khủng hoảng, giá sụt giảm mạnh.

Nguyên nhân thứ nhất ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam là do khủng hoảng. Ảnh hưởng lớn nhất là thị trường Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản, mặc dù số lượng các mặt hàng có tính cạnh tranh của Việt Nam ở những thị trường này tăng lên theo hàng năm, nhưng nhu cầu thì giảm đáng kể.

Thứ hai, nếu loại bỏ yếu tố khủng hoảng thì tỷ trọng các mặt hàng xuất khẩu của 14 mặt hàng chủ lực vẫn không thay đổi là mấy, thậm chí còn giảm trong 6 năm gần đây. Tỷ trọng kim ngạch các mặt hàng quan trọng nhất trong xuất khẩu chỉ giảm từ 80,8% năm 2004 và 79,5% năm 2006 xuống 76,7%, 73% và 68,8% trong 3 năm tiếp theo.

Thực tế hiện nay, quy mô xuất khẩu của Việt Nam còn nhỏ, kim ngạch xuất khẩu bình quân đầu người thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong khi đó, các mặt hàng có giá trị gia tăng cao của Việt Nam còn thấp, chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, dựa vào số lượng như khoáng sản, nông lâm thuỷ sản; còn các mặt hàng công nghiệp chế biến như dệt may, da giày, điện tử và máy tính chủ yếu là gia công, lắp ráp với giá trị gia tăng thấp, chủng loại nghèo nàn...

Vì vậy, để tăng trưởng xuất khẩu, các ngành xuất khẩu trọng điểm cần có biện pháp cụ thể nâng cao giá trị gia tăng trong sản phẩm. Ví dụ như sản phẩm dệt may, xuất khẩu với tỷ trọng rất lớn nhưng nguyên liệu vẫn chủ yếu phải nhập khẩu, vẫn gia công thuê, không có nhiều sản phẩm có thương hiệu, có chỗ đứng trên thị trường nước ngoài.

Ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt-May Việt Nam cho rằng: “Chúng ta phát triển sản xuất nhưng phải tập trung phát triển sản phẩm chất lượng cao, giá trị gia tăng cao, tăng tính thời trang, tăng đẳng cấp chất lượng mặt hàng để chúng ta có thể vững bước tiến ra thị trường thế giới trong quá trình hội nhập. Sản xuất hàng chất lượng thấp sẽ tạo hình ảnh xấu cho dệt may của Việt Nam. Nhưng để làm được điều đó quản lý sản xuất phải tốt, phải có nhiều sáng kiến trong sản xuất để sản xuất những mặt hàng mang tính khác biệt cao, đồng thời đầu tư vào khâu quảng bá sản phẩm, xây dựng thương hiệu, tổ chức tốt hệ thống phân phối, hệ thống tiêu thụ”.

Nguyên nhân thứ ba là các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp chưa tận dụng tốt các ưu đãi thuế quan trong hội nhập. Ví dụ như từ 1/1/2010, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc chính thức thực hiện cam kết giảm thuế mạnh mẽ từ Trung Quốc và các nước ASEAN, hàng loạt mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ được hưởng thuế nhập khẩu từ 0-5%, đặc biệt là Việt Nam được lùi việc thực hiện cắt giảm thuế quan này vào năm 2015, như vậy có khoảng 5 năm, chúng ta được hưởng mức thuế ưu đãi trước các nước trong khu vực.

Điểm yếu thứ tư cần tính đến trong hoạt động xuất khẩu đã không tận dụng được đó là khả năng chủ động nắm bắt những cơ hội thuận lợi để thâm nhập và khai thác các thị trường xuất khẩu còn hạn chế, công tác xúc tiến thương mại nhỏ lẻ, rời rạc, hiệu quả chưa cao. Ông Đỗ Thắng Hải - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) cho biết: “Sắp tới, sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu hội nhập. Vấn đề là cần tìm hiểu nhu cầu thực tế của từng thị trường, doanh nghiệp cần bán cái thị trường cần, chứ không phải bán cái mình có. Đồng thời phối hợp với thương vụ ở các nước để tạo kênh thông tin tốt cho doanh nghiệp xuất khẩu”.

 

Ông Đỗ Thắng Hải, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương, phát biểu tại Hội thảo "Chung tay xây dựng Thương hiệu Quốc gia"

 


Thứ năm là trong bối cảnh kinh tế thế giới có khó khăn như năm 2009, giá cả hàng hoá trên thị trường thế giới biến động quá lớn hoặc do tổng cầu của thế giới giảm quá nhanh cũng làm lấn át cả những hàng rào bảo hộ đã được giảm nhờ gia nhập WTO mà qua đó doanh nghiệp Việt Nam có thể thâm nhập được thị trường. Tuy nhiên, việc dự báo thông tin chưa chính xác, nắm bắt các rào cản chưa đầy đủ cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Nguyễn Thành Biên cho biết: “Bộ sẽ có đề xuất với ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong hạot động vay vốn, đồng thời hạn chế nhập khẩu, tạo ra các rào cản để cạnh tranh với hàng ngoại nhập với những cam kết khi hội nhập. Tuy nhiên các doanh nghiệp cũng cần chủ động nâng cao chất lượng hàng hoá, tận dụng cơ hội hội nhập để xuất khẩu hàng hoá”.

Thứ sáu là trong quá trình hội nhập, khi xuất khẩu hàng hoá ra thị trường thế giới, bên cạnh việc doanh nghiệp Việt Nam đang phải thực thi đầy đủ các cam kết của mình, trong đó có các cam kết trong một số lĩnh vực như dịch vụ, sở hữu trí tuệ, các biện pháp đảm bảo thương mại công bằng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh dịch tễ, kiểm dịch động thực vật và hàng rào kỹ thuật thương mại…. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu ít khi để ý đến việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu nên bị làm nhái ở thị trường nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Vì vậy, để tránh bị đánh cắp và nhái nhãn hiệu, gây thiệt thòi cho doanh nghiệp xuất khẩu, các doanh nghiệp phải đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài.

Ông Phạm Quang Vũ - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinacafe Biên Hoà cho biết: “Có rất nhiều doanh nghiệp đã bị đánh cắp thương hiệu vì không đăng ký thương hiệu khi tham gia xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường nước ngoài. Từ năm 2005, chúng tôi đã đăng ký nhãn hiệu Vinacafe ở 30 thị trường nước ngoài để tránh bị đánh cắp và có thể bảo vệ khi bị doanh nghiệp khác vi phạm. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp cần quan tâm trong quá trình hội nhập”.

Như vậy, để tăng xuất khẩu trong quá trình hội nhập rất cần sự quyết tâm, đồng lòng của tất cả các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp. Cần khắc phục yếu kém trong xuất khẩu như tăng cường sản xuất hàng có giá trị chế biến cao, đẩy mạnh công tác nắm bắt thông tin thị trường, nỗ lực vượt qua các rào cản thương mại của thế giới, đồng thời xây dựng và bảo vệ thương hiệu của hàng hoá tại thị trường nước ngoài… mới có thể tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững./.

 

Hoàng Xuân Lan (VOV News)
Tin khác