SALIENT NEWS
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Company in the News | Company highlights | About coffee
Cạnh tranh trong một thế giới phằng
Lo lắng là có cơ sở, tuy nhiên đó mới chỉ là bề nổi của “tảng băng” toàn cầu hóa. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, vấn đề đặt ra lớn hơn nhiều đối với các nhà hoạch định chính sách của quốc gia nói chung và doanh nghiệp nói riêng.

Thứ nhất, xem xét vấn đề tăng trưởng chung của kinh tế Việt Nam. Hãy xem những đánh giá khách quan nhìn từ bên ngoài. Mức tăng trưởng hơn 7% là rất tốt, nhưng tăng trưởng này là từ đâu?

Tăng trưởng và năng lực cạnh tranh

Năm 2004, doanh thu ròng từ dầu lửa đạt gần 5 tỉ USD; kiều hối trong khoảng 3-4 tỉ USD; đầu tư nước ngoài trực tiếp (FDI) hơn 3 tỉ USD; và ODA là 2 tỉ USD. Nếu chúng ta giả định GDP là 40 tỉ USD thì các luồng vốn vào chiếm hơn 30% GDP! Điều gì sẽ xảy ra khi các nguồn bên ngoài không tiếp tục bơm vốn vào Việt Nam nữa?

Dấu hiệu rõ nhất về tính phi hiệu quả thể hiện ở tỉ số vốn/sản lượng. Tỉ số này bằng mức đầu tư trên GDP (I/GDP) chia cho tốc độ tăng trưởng GDP thực. Với I/GDP vào khoảng 32% kể từ năm 2000 và mức tăng trưởng GDP đạt 6,7% một năm, phải mất gần 5 đơn vị vốn để tạo ra 1 đơn vị tăng trưởng. Con số này của Đài Loan hay Hàn Quốc trong thời kỳ các nước này tăng trưởng nhanh chóng là 3 hay nhỏ hơn.

Do đó, nhìn từ góc độ này thì câu hỏi không phải là tại sao Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7%, mà không phải là hơn thế? (GS David Dapice - Vietnamnet 2005) Tại sao? Phát huy yếu tố nội lực nào để tạo tăng trưởng mạnh cho kinh tế Việt Nam? Câu hỏi lớn này đặt lên vai các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam.

Thứ hai, năng lực cạnh tranh toàn diện của các doanh nghiệp Việt Nam. Bài viết này chỉ xin tập trung nói đến các vấn đề của các doanh nghiệp Việt Nam. Hẳn chúng ta, không ít người, đã có thể bị sốc khi nghe nói đến một khái niệm thế giới phẳng (The world is f1at). Đó là một nhận định, đúng hơn là đúc kết của Thomas L. Friedman, nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times.

Theo Friedman, quá trình toàn cầu hoá đã trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu từ 1492- khi Columbus mở ra sự giao thương giữa thế giới cũ và mới  cho đến khoảng l800. Giai đoạn này thế giới co lại từ một kích thước lớn thành cỡ trung bình. Đây là giai đoạn của sức mạnh cơ bắp, của sức ngựa, sức gió, sức hơi nước.

Giai đoạn thứ hai, từ 1.800 đến 2000, thế giới co từ cỡ trung bình xuống cỡ nhỏ. Nhân tố then chốt của thay đổi, động lực thúc đẩy hội nhập toàn cầu là động cơ hơi nước và đường sắt, điện tín, điện thoại, máy tính, vệ tinh, cáp quang. Nói chung giai đoạn thứ hai là giai đoạn của các phần cứng. Giai đoạn thứ ba bắt đầu từ khoảng năm 2000, thế giới co từ cỡ nhỏ xuống cỡ bé tí và đồng thời sân chơi toàn cầu được san phẳng. Nhân tố then chốt của giai đoạn này là các phần mềm, các ứng dụng mới cùng mạng cáp quang toàn cầu biến tất cả chúng ta thành láng giềng sát vách.

Khả năng tương thích trong toàn cầu hoá

Cùng với sự phát triển của mức độ toàn cầu hoá, vai trò của Nhà nước thay đổi dần. Từ chỗ các chính phủ trực tiếp xúc tiến quá trình hội nhập toàn cầu, các cá nhân và nhóm cá nhân sẽ thay thế. Các cá nhân từ mọi nơi của thế giới phẳng đều được trao quyền cắm và chơi (plug and play). Ở Việt Nam, đó chính là các doanh nghiệp, bất kể ở khu vực quốc doanh hay dân doanh.

Vấn đề là ở chỗ: cần phải tương thích như thế nào và khả năng tương thích đem lại sức mạnh cạnh tranh toàn diện chứ không chỉ đơn thuần ở “cuộc chiến” về tiếp thị. Khả năng tương thích này đôi khi cũng được sử dụng như một công cụ tiếp thị: các công ty quảng cáo rằng mình đã tiếp cận với chuẩn mực, chất lượng và đẳng cấp quốc tế. Rất tiếc, những doanh nghiệp có khả năng tương thích của chúng ta chưa nhiều.

Bởi vậy, gia nhập WTO là một tất yếu, mang lại vận hội mới cho Việt Nam nói chung, nhưng đồng thời cũng là thử thách cam go đối với nhiều doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực, các ngành từ trước được hỗ trợ từ chính phủ hoặc chưa chuẩn bị kỹ càng cho việc này. Một thời chúng ta lo việc chất lượng hàng hoá, rồi đến thương hiệu. Nhưng cái gì tạo nên hàng hoá và thương hiệu? Phải kể đến hai yếu tố đầu vào chính yếu: phần cứng là các yếu tố nguyên nhiên vật liệu, tài chính, máy móc thiết bị và phần mềm, chất xám. Trong toàn cầu hoá hiện nay, chất xám đang tỏ ra quan trọng hơn.

Gia nhập WTO trước Việt Nam không lâu, nhưng Trung Quốc không còn chỉ mơ ước về các hàng hoá sản xuất tại Trung Quốc, mà đang hướng tới việc thiết kế tại Trung Quốc và thậm chí tưởng tượng tại Trung Quốc. Nhưng ước mơ chỉ là ước mơ nếu thiếu các tiền đề cần thiết. Tiền đề cho điều này lại trước hết ở việc nắm bắt, làm chủ công nghệ và những thành tựu khoa học của nhân loại, là kết quả của nền giáo dục.

Chất xám - phần mềm - quyết định tất cả

Mỹ đang được thừa hưởng thành quả của nền giáo dục Ấn Độ khi họ đang sử dụng một lượng lớn lao động của nước này cho chiến lược sử dụng nguồn nhân lực bên ngoài (Out-sourcing) của mình. Bản thân ấn Độ, với lực lượng lao động có trình độ hùng mạnh cũng trở thành đe doạ của nhiều quốc gia khác. Quay lại vấn đề hội nhập và toàn cầu hoá ở Việt Nam.

Thời gian gần đây, các thuật ngữ hay những cái tên viết tắt bắt đầu bằng chữ W (world - thế giới) trở nên “thời thượng”. Chúng ta thấy nhiều, nghe nhiều về WHO, WTO, WB, và gần đây trên báo chí và cả truyền hình, về WIPO, một giải thưởng quốc tế danh tiếng mà Vinacafe vừa giành được.

Khi chất xám, một yếu tố đầu vào trở nên quan trọng, vấn đề phát minh, sáng chế, ứng dụng và đăng ký bản quyền sở hữu nó như đang lên cơn sốt. Nhiều doanh nghiệp phải cài đặt các phiên bản thử nghiệm miễn phí thay cho việc sử dụng “chùa” bấy lâu các phần mềm ứng dụng có bản quyền của Microsoft vì sợ Luật sở hữu trí tuệ đi vào thực thi. Văn phòng cơ quan Sở hữu trí tuệ Việt Nam thêm nhộn nhịp hơn.

Những tranh cãi về bản quyền cả trong khoa học kỹ thuật và sáng tác nghệ thuật cũng nóng lên. Những thương hiệu như Vinamilk, Vinacafe, Kim Đan... bỗng nổi lên như cồn nhờ vào việc nắm bắt xu thế này. Họ  đã thực sự đầu tư cho chiến lược phát triển các hoạt động liên quan đến sở hữu trí tuệ, một hệ quả tất yếu của toàn cầu hoá và đã thực sự tạo sức mạnh cạnh tranh toàn diện cho doanh nghiệp của mình.

Các doanh nghiệp Việt Nam hãy tạo ra cái mới và bảo vệ nó. Thời của sao chép, bắt chước đã qua đi. Ngày nay, đừng nghĩ rằng trước khi chủ sở hữu của cái mà bạn đang sao chép đến đất nước bạn, bạn có khả năng đi trước, chặn đầu. Đó là suy nghĩ sai lầm bởi thế giới bây giờ là rất nhỏ và trở nên phẳng. Doanh nghiệp cần làm là quan tâm hơn đến phần chìm của “tảng băng” toàn cầu hoá, cho dù nó đòi hỏi đầu tư nhiều thời gian và trí não.

Điều quan trọng nhất là phần mềm - việc lớn mà các doanh nghiệp của chúng ta cần quan tâm. Ở trường hợp của Vinacafe, bản thân giải thưởng WIPO không giúp gì nhiều cho doanh nghiệp này, cái giúp họ chính là những phần mềm họ đã làm được để có thể vươn tới nó.
                        
Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam
Others