Bức tranh chung của cà phê chế biến Việt Nam
Hà Nội (TTXVN) - Sản lượng cà phê hạt của Việt Nam trong những năm gần đây tăng trưởng rất mạnh đã kéo theo nhu cầu tiêu dùng cà phê tăng lên. Thị trường cà phê hòa tan đang trở nên "nóng" trong thời gian gần đây, tuy nhiên, tăng trưởng tiêu dùng lại chậm hơn so với tăng năng lực sản xuất. Tính đến thời điểm tháng 11/2005, có 3 đơn vị sản xuất cà phê hòa tan với tổng công suất 2.200 tấn/ năm. Trong đó, Vinacafé 1.000 tấn/ năm đang chạy hết công suất, Nescafé 1.000 tấn/ năm, Trung Nguyên 200 tấn/năm chưa đưa vào sử dụng. Trong số các loại cà phê hòa tan đang cạnh tranh trên thị trường thì cà phê hòa tan nguyên chất chỉ chiếm 14%, còn lại 86% là cà phê hòa tan 3 trong 1, người dân gọi là cà phê sữa (vì có bổ sung thêm đường và bột sữa). Như vậy, cạnh tranh trong nhóm sản phẩm cà phê hòa tan tập trung chủ yếu ở cà phê hòa tan 3 trong 1. Nếu tất cả công suất của các nhà máy cà phê hòa tan ở Việt Nam sử dụng để sản xuất cà phê hòa tan 3 trong 1 thì tổng sản lượng sẽ là 23.000 tấn/ năm. Sở dĩ chúng tôi muốn nói đến cà phê hòa tan vì đây được xem là sản phẩm cà phê chế biến cao cấp, nó đòi hỏi nhà sản xuất không những có vốn đầu tư lớn mà phải có kỹ thuật, công nghệ, kể cả kinh nghiệm nữa. Nhìn một cách thiết thực thì cà phê hòa tan thể hiện năng lực của doanh nghiệp chế biến cả về tiền vốn và khoa học-kỹ thuật. Mặt khác, hướng phát triển bền vững là phải tăng sản lượng cà phê hòa tan vì nó là nguyên liệu cơ bản để làm ra những loại cà phê sữa hòa tan, là sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Có thể có những doanh nghiệp làm được cà phê "3 trong 1" nhưng chưa thể sản xuất được cà phê hòa tan, họ phải nhập cà phê hòa tan. Vì thế, khi nghe nói về cà phê hòa tan hay là cà phê sữa hòa tan người ta thường hay nhầm lẫn, nhất là các công ty tự "đánh bóng soi gương" thường hay đưa thông tin lập lờ giữa hai sản phẩm này. Với cà phê hòa tan 3 trong 1, trong thời gian qua đã có hàng loạt các công ty nhỏ đầu tư vào đấu trộn nguyên liệu cà phê nhập ngoại để đóng gói cà phê hòa tan 3 trong 1. Hiện trên thị trường có thể tìm thấy trên 20 nhãn hiệu khác nhau, nhưng theo số liệu nghiên cứu thị trường của Taylor Nelson Sofrees - TNS năm 2004 thì Vinacafé chiếm 50,4%, Nescafé 33,2%, các nhãn hiệu khác 16,4%. Bình quân mỗi nhãn hiệu nhỏ chỉ chiếm chưa tới 1% thị phần cà phê hòa tan 3 trong 1. Động thái của doanh nghiệp dẫn đầu Vinacafé trong thời gian gần đây, khi ngoài 2 loại cà phê hòa tan nói trên, trình làng thêm một sản phẩm mới - cà phê hòa tan 4 trong 1- cà phê sâm (bổ sung thêm đường, bột sữa và nhân sâm) để được "một mình một chợ" cho thấy, thị trường trong nước đã gần tới điểm bão hòa. Cũng có những ý kiến rằng, lý do gì đã khiến Nescafé tung ra cùng một lúc 3 sản phẩm cà phê 3 trong 1 với bao bì hoàn toàn mới và thay đổi luôn thông điệp quảng cáo? Chỉ có thể giải thích rằng thị phần đã bị chia sẻ bởi nhiều sản phẩm của hàng loạt công ty tung "sản phẩm đấu trộn" vào thị trường. Đối với các công ty nhỏ trong nước, lý do nào khiến họ lao vào đầu tư nhóm sản phẩm này? Có một số lý do sau đây. Thứ nhất: sự phát triển mạnh mẽ của Vinacafé Biên Hòa, đơn vị đang dẫn đầu với 50,4% thị phần cà phê hòa tan ở Việt Nam, đã thu hút nhiều nhà đầu tư mới vào lĩnh vực chế biến loại cà phê này. Thứ hai: những công ty nhỏ thiếu thông tin về thị trường. Cũng theo nghiên cứu của TNS thì cà phê Việt Nam đang có xu hướng tiêu dùng giảm so với các loại đồ uống khác. Cà phê hòa tan năm 2004 giảm 9,7% so với 2003 trong khi cà phê rang xay tăng 9,7%. Như vậy các công ty nhỏ của Việt Nam liệu có đi chệch hướng? Nhưng cũng phải kể đến một số doanh nghiệp lớn cũng có dự định hoặc là đã đầu tư vào chế biến cà phê hòa tan; trong khi họ không thiếu thông tin về thị trường. Vấn đề đặt ra là tại sao những "đại gia" này vẫn quyết định đầu tư trong khi so với các sản phẩm khác - như thể hiện trên biểu đồ tiêu thụ nước giải khát dưới đây - thì thị trường cà phê tại Việt Nam không hấp dẫn. Lý do còn lại là để xuất khẩu. Cà phê Việt Nam, nhất là cà phê rang xay của hầu hết các nhãn hiệu Việt Nam (ngoại trừ Vinacafé) đều rất khó xuất khẩu vì pha trộn rất nhiều phụ gia không có lợi cho sức khoẻ và không hợp gu người tiêu dùng nước ngoài. Bà Đào Thị Mùi, thư ký thường trực Hiệp hội cà phê Ca cao Việt Nam cho biết: "Chúng ta hiện nay chỉ có duy nhất một nhà xuất khẩu cà phê chế biến uy tín là Vinacafé Biên Hòa. Các thương hiệu khác số lượng rất ít và không đều". Cà phê rang xay đã mất uy tín, vậy thì chỉ còn cách đầu tư vào cà phê hòa tan; và muốn xuất khẩu, trước hết phải quảng bá mạnh trong nước. Ông Bùi Xuân Thoa, Giám đốc Vinacafé Biên Hòa cho rằng, cái mà chúng ta cần làm bây giờ chính là thay đổi suy nghĩ của các nhà sản xuất cà phê rang xay Việt Nam là cần làm cà phê xay nguyên chất để có cơ hội xuất khẩu sản phẩm này. Nó vừa phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong và ngoài nước, nó cũng như những "sản phẩm sạch" ở các lĩnh vực khác, vừa phù hợp với điều kiện tài chính vừa hướng tới sự hưởng thụ cao cấp của khách hàng. Tuy nhiên, đầu tư mới một nhà máy cà phê hòa tan đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu với công suất 3.000 tấn/năm phải mua các thiết bị của các hãng chuyên nghiệp và tổng đầu tư tối thiểu là 20 triệu USD. Với Vinacafé Biên Hòa - ông Bùi Xuân Thoa khẳng định là vẫn tiếp tục đầu tư công nghệ và nâng công suất sản xuất cà phê hòa tan vì Vinacafé Biên Hòa đã có kinh nghiệm 30 năm nay, lại có thị trường ngày càng được củng cố và mở rộng. Mặt khác, gần như các nhãn hiệu mới không thể cạnh tranh với Vinacafé về chất lượng và với uy tín lâu năm trên thương trường. Đây có thể là hướng mở - dù không thật rộng rãi với tất cả các doanh nghiệp; đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ - nhưng xem ra đó là hướng phát triển bền vững và "chuyên nghiệp". Đó cũng có thể được xem là một thông điệp không chỉ gửi tới các doanh nghiệp chế biến mà còn gửi tới những người trồng cà phê trong Festival Cafe đầu tiên trên vùng đất được coi là "thủ phủ" của cà phê - Buôn Ma Thuột./. Tin khác
|