TIN NỔI BẬT
Vinacafé cùng với Vinamilk, Petrolimex, Nike... là những nhãn hiệu đầu tiên được lựa chọn và công nh...
Bộ Khoa học và Công nghệ công bố 6 nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam gồm: Vinamilk, IKEA, Vinacafe, Nike,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Báo chí và doanh nghiệp: Cần xích gần nhau hơn

 

Buổi tọa đàm “Báo chí & Doanh nghiệp” do Báo Tin tức (TTXVN) tổ chức, nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam  21/6, đã diễn ra ngày 12/6 với sự tham gia của các doanh nghiệp và nhiều nhà báo thuộc các cơ quan báo chí.

 

Các phóng viên và đại diện các doanh nghiệp tại buổi tọa đàm

 

Trong cuộc tọa đàm này, đại diện các doanh nghiệp và báo chí đã trao đổi một cách cởi mở, bày tỏ thẳng thắn những ý kiến của mình nhằm thu hẹp khoảng cách giữa báo chí và doanh nghiệp. Nhìn chung, các doanh nghiệp đều thừa nhận báo chí là người bạn đồng hành, có công lớn trong sự phát triển của doanh nghiệp và phía báo chí cũng thấy được tầm quan trọng của nhau, hỗ trợ và hợp tác để cùng phát triển. Nói cách khác, mối quan hệ báo chí & doanh nghiệp là sự tương hỗ hai chiều. Tuy nhiên, vẫn còn có một số lấn cấn, chưa thông suốt giữa hai bên, gây nên những hạn chế trong mối quan hệ này.

Thông tin cần có kiểm chứng để chính xác

Ông Phạm Quang Vũ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinacafé BH, bày tỏ: “Vinacafé được nhiều người tiêu dùng tín nhiệm như ngày hôm nay hẳn không thể không nhắc đến sự “cộng hưởng” của truyền thông, báo chí. Song, đã có một số bài báo gây ảnh hưởng xấu đến uy tín không chỉ với Vinacafé BH mà còn cả ngành cà phê Việt Nam do vội vàng đăng tin chưa được kiểm chứng. Đơn cử như cuối năm 2008, sau buổi trình diễn ly cà phê lớn nhất thế giới bay trên bầu trời Buôn Ma Thuột, một số tờ báo đã lấy những thông tin ban đầu thiếu chính xác rằng trực thăng cẩu ly cà phê đã làm đổ cây gây thương tích cho hai học sinh. Thực tế sau khi kiểm chứng, sự việc hoàn toàn không như vậy. Một ví dụ khác, khi Tổng công ty cà phê Việt Nam được Nhà nước cho tiến hành giải thể một số đơn vị trồng lúa thì có báo đưa tin “Vinacafé giải thể…”. Trong trường hợp này, phóng viên làm tin đã nhầm lẫn giữa tên gọi của Tổng công ty Cà phê Việt Nam với thương hiệu Vinacafé đã đăng ký của Công ty cổ phần Vinacafé Biên Hòa.”

 

Ô. Phạm Quang Vũ (ngồi giữa) – P. Tổng GĐ Vinacafé BH - trao đổi, bày tỏ

 

Tương tự là trường hợp của Sacom, ông Đỗ Văn Trắc, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Sacom bức xúc: “Đầu năm nay, có một vài phóng viên đến phỏng vấn tôi về việc “Sacom sắp làm hồ sơ xin phá sản!”. Là công ty cổ phần, chúng tôi chịu sự điều chỉnh của nhiều luật, bảo hiểm, chứng khoán, luật kế toán, thống kê, luật DN. Không thể có chuyện Sacom xin giải thể khi chỉ tính riêng tiền mặt gửi ngân hàng của Công ty đang lớn hơn nhiều vốn điều lệ. Nếu báo chí chỉ căn cứ vào những nguồn tin không chính thức để đưa tin sẽ dễ gây hại cho DN”. 

Ông Nguyễn Hồng Hải, Giám đốc Trung tâm truyền tải VDC cho rằng: “Sự chéo ngoe giữa báo chí và doanh nghiệp là tốc độ thông tin được đăng. Các báo thường chạy đua để thông tin của báo mình mang tính nóng hổi, doanh nghiệp lạ cần sự chín chắn, cẩn trọng. Bởi vậy, báo chí không nên quá chạy đua mà cắt gọt thông tin. Điều này sẽ định hướng độc giả hiểu lệch theo chiều hướng khác.”

Báo chí & doanh nghiệp nên là “đôi bạn” thực sự

Khi doanh nghiệp càng làm ăn phát đạt, báo chí càng có nhiều cơ hội phát triển. Nhìn theo góc độ kinh tế, những bài báo được xem như các mặt hàng, mỗi tòa soạn như một doanh nghiệp trong đó nguồn thu chủ yếu của báo chí là nhờ tiền thông tin, quảng cáo từ các doanh nghiệp. Vì vậy, báo chí rất nên coi các doanh nghiệp là đối tác chính mạnh của mình. Đồng thời, thấu hiểu những khó khăn trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Từ đó, sẽ có những cảm thông để hai bên cùng nương tựa vào nhau, vượt qua những biến cố, trở ngại và cùng phát triển.

Tổng biên tập Báo Tin tức Lê Duy Truyền nhận xét: “Trong quá trình tác nghiệp, nhiều khi quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp chưa được như mong muốn. Báo chí phải là cầu nối giữa doanh nghiệp với khách hàng, thị trường, với các cơ quan điều hành, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, giữa doanh nghiệp và báo chí vẫn còn vướng mắc; trong chừng mực nào đó, doanh nghiệp còn e ngại báo chí. Có doanh nghiệp chộp giật né báo chí, có doanh nghiệp sai phạm lại chủ động gặp gỡ báo chí để nói lại cho rõ. Doanh nghiệp có thể cung cấp thông tin cho báo chí, để thông tin đa chiều vì giữa doanh nghiệp với báo chí có đích chung: doanh nghiệp có khách hàng, bạn hàng, báo chí có bạn đọc…”.

 

Kim Bình

Theo Gia đình & Xã Hội

 

Tin khác