SALIENT NEWS
Không chỉ lượng cà phê bạn uống mà thời gian uống cũng ảnh hưởng khác ...
4-5 tách cà phê/ngày giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng,...
Company in the News | Company highlights | About coffee
Uống cafe hay uống cà phê...

 

>>>  Nguồn:  phamngochiep' s blog

 

Ngày nghỉ rảnh rảnh không biết mần gì? Pha một tách cà phê nhâm nhi một mình ngẫm nghĩ chuyện đời... Phải công nhận tôi là một gã ghiền cà phê, tuy bây giờ uống không nhiều, mỗi ngày chỉ một, hai phin, dễ chừng tôi uống cà phê cũng suýt soát nửa thế kỷ nay, nhưng cũng ngộ là tôi không ghiền thuốc lá, người ta hay nói "cà phê thuốc lá" mà, tuy thời còn trẻ trẻ thỉnh thoảng ngồi quán với bạn bè tôi cũng có phì phèo tí chút, bây giờ thì cà phê vẫn còn, nhưng thuốc lá thì tuyệt nhiên không, nhiều khi ngửi thấy mùi khói thuốc còn không chịu được.

 

 

 

Đọc báo - uống cà phê, thói quen của không ít người

 

 


Những năm tháng trước 75 tôi có thời gian ở Tây nguyên, hoặc đây đó miền duyên hải Trung kỳ có lẽ là khoảng thời gian tôi uống cà phê nhiều nhất, và thấy cà phê là ngon nhất. Những lúc ở đâu đó, trong rừng, trên núi, hay một vùng biển nắng cháy heo hút, cả tháng trời không thấy phố xá nhưng trong ba lô của tôi luôn có một cái phin cà phê, khoảng nửa kí lô cà phê loại ngon, một ít đường, và một hai cái tách uống cà phê cho riêng mình. Xưa nay tôi quen uống cà phê pha phin, không đá, và cũng chẳng uống với sữa, hay "kem" (một loại bột giống như sữa bột mà khi xưa tụi Mỹ hay cho vào cà phê), có lẽ thời gian tôi ở trên cao nguyên khá lâu, khí hậu lạnh, cà phê nóng pha phin uống là tuyệt nhất,  hãy cứ thử tưởng tượng bạn ở đâu đó trong rừng, trên núi, trong một làng Thượng... trời buổi sớm hay về chiều se lạnh, nhớ nhà, hay nhớ đủ thứ, thì một tách cà phê nóng thơm lừng tuyệt vời biết là chừng nào.

 

Người Buôn Ma Thuột thưởng thức cafe tại quán

 


Nói đến cà phê mà không nhắc quán cà phê chắc chắn là một thiếu sót quan trọng, ngày xưa ở Tây nguyên, Pleiku, Kontum, Buôn Mê Thuột, Quảng Đức, Phú Bổn, Đà Lạt..., hoặc miền duyên hải Nha Trang, Tuy Hòa, Quy Nhơn... những nơi tôi đã đi qua thì quán cà phê có lẽ cũng nhiều, nhưng không nhiều và xô bồ như bây giờ. Ngoại trừ những lúc "mai xa lắc trên đồn biên giới" như lời trong một bài hát phổ biến hay nghe hát trong những quán cà phê thời đó, thì lúc về phố thời gian tôi ngồi trong quán cà phê là nhiều nhất, quán cà phê thời nào cũng vậy có một cái dễ thương là không khống chế thời gian của khách ngồi, thường thì tôi ngồi quán với một cuốn sách, đấy là những năm tháng tôi đọc sách có lẽ là nhiều nhất trong đời, trong ba lô của tôi ngoài mấy bộ quần áo trận, vài thứ đồ dùng lặt vặt còn lại toàn là sách. Tôi đã đọc Đức Phật và Phật pháp, Tân Ước và Cựu Ước, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Albert Camus, Saint Exupery, Leon Tolstoi, Dostoievsky, Salinger... và đủ mọi loại sách lỉnh kỉnh khác, kể cả sách nói về... tướng số... Mỗi lần tôi về phố hay về phép Sài Gòn là khi đi lại là một ba lô sách mới... Thuở ấy, tôi có một người bạn rất dễ thương, hay chọn và gởi cho tôi những quyển sách mà tôi thích, đôi khi là những tập nhạc, của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, hay Từ Công Phụng...

 

 

Một quán cafe tại trung tâm Sài Gòn

 


Sài Gòn bây giờ cũng có rất nhiều quán cà phê, từ quán "xịn" thời thượng dành cho giới thượng lưu cỡi xe Lexus hay Camry ở trung tâm thành phố, cho đến những quán tầm tầm nhưng dễ thương dành cho giới có tí máu mê văn nghệ, hoặc loại cà phê bình dân vỉa hè dành cho bác xe ôm... nhưng cà phê bây giờ ở đâu tôi cũng gần như không uống được, tuy khi ngồi cũng vẫn gọi, bởi cà phê ở những nơi ấy pha phách nhiều quá, cho những thứ hạt gì khác vào mà nước khi ra lúc nào cũng đen nhánh và đắng nghét, khi quấy mạnh tay thì toàn là bọt... Cà phê thật sự chỉ pha bằng hạt cà phê rang vừa chín tới, có tẩm thêm chút bơ cho thơm chỉ cho ra một thứ nước màu nâu đen, và vị đắng dịu chứ không gắt, tôi nghe nói có cả cà phê thuần túy hóa chất, và ngay cả những loại cà phê có thương hiệu giá đến mấy chục ngàn một lạng (mấy trăm ngàn một kí lô) bây giờ cũng pha tẩm toàn hóa chất, uống không nổi.

 

 

 BS. Lương Lễ Hoàng (trái) và Chuyên gia cảm quan cà phê Lê Anh Tuấn

tư vấn cho người tiêu dùng về cách phân biệt cà phê thật và cà phê pha tạp

 


Ngồi quán tán dóc với bạn bè, kêu một phin cà phê, có khi là với vài người bạn thời còn đi học, có khi là vài bạn blogger hoặc một người bạn thân thiết, hay cả khi ngồi một mình, với tôi là một thói quen, hay một cái thú, khó bỏ...

 

 


Others