SALIENT NEWS
Không chỉ lượng cà phê bạn uống mà thời gian uống cũng ảnh hưởng khác ...
4-5 tách cà phê/ngày giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng,...
Company in the News | Company highlights | About coffee
Thưởng thức cà phê ở Vienna

Khi chuyến bay chuẩn bị đáp xuống sân bay Flughafen Wien của thủ đô nước Áo, giai điệu trữ tình “Sông Danube xanh” của nhạc sĩ Johann Strauss trổi lên như một lời chào mừng hành khách đã đến với đất nước của những thiên tài Beethoven, Mozart, Schubert, đất nước của hội họa và những lâu đài thơ mộng, đất nước của một phong cách cà phê nổi tiếng…

 

Nguồn: Phan Van Tu' s blog

 


Tháng 11 năm 2011, cùng với hát xoan Phú Thọ của Việt Nam, văn hóa cà phê ở thủ đô Vienna đã được Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đưa vào danh sách các di sản phi vật thể cần được bảo tồn.

Trước khi đến thủ đô nước Áo cuối năm rồi, tôi cũng Google để tìm những thông tin liên quan và chat với mấy người bạn đã từng đến đây để được tư vấn. Có hai nội dung không nằm trong dự kiến nhưng đã để lại trong tôi nhiều ấn tượng: nghĩa trang và cà phê.

 

 



Một góc cà phê Griensteindl ở Vienna

 

 

Uống cà phê để bảo vệ di sản


Nhấp một ngụm cà phê ở quán Griensteindl nổi tiếng, tôi nói với cô bạn là một nhà văn, nhà báo người Việt, đang làm nghiên cứu sinh và lấy chồng ở Áo: Cà phê Vienna có khác gì cà phê Sài Gòn, Hà Nội đâu? Chị cười nhìn tôi như thông cảm: Có khác đấy, tinh tế lắm! Thì cũng nhâm nhi, ngắm cảnh, đọc báo, tán gẫu… như Sài Gòn, cũng đen, sữa, sữa đá, nâu đá, capuccino... như Hà Nội mà. Điểm khác biệt ấy khó diễn tả lắm, người dân Áo ở đây xem cà phê Vienna như quốc hồn quốc túy, như một phần tất yếu của đời sống và họ đã nâng phong cách cà phê ở đây thành nghệ thuật -  cô bạn nói thêm.

Rồi bạn bắt đầu gợi ý để tôi khám phá và cảm nhận, nhưng thời gian lưu lại ở thành phố này không nhiều và thật tình, dù đã có “bề dày cà phê” mấy chục năm từ thời sinh viên đến giờ, tôi biết mình chưa đủ hiểu biết để tiếp cận một thứ nghệ thuật đã được phong di sản văn hóa.

 

 


"Mặt tiền" cà phê Griensteindl



Cái đầu tiên dễ thấy là không khí cà phê ở Vienna rất yên tĩnh và sang trọng. Chắc ở Vienna không thể tìm thấy được một quán cóc, quán vỉa hè, dù cũng có những chỗ bán với giá cũng bình dân. Cà phê Vienna có bán thức ăn nhẹ, chủ yếu là các loại bánh, trái cây. Người ta đến cà phê và trò chuyện bên nhau hàng giờ nhưng không làm ồn ào bàn bên cạnh. Có những người vào quán một mình và ngồi cả buổi sáng để đọc đủ loại báo in có sẵn ở đó. Ông chồng người Áo của cô bạn nói thêm: Các quán cà phê ở Vienna như những câu lạc bộ công cộng mà các thành viên tự giác đến với nhau. Cà phê là một phần trong sinh hoạt của người dân thủ đô này. Người Áo gọi các điểm cà phê "Wiener Kaffehaus". Mấy trăm năm qua, với nhiều thế hệ người dân ở đây, Wiener Kaffehaus là ngôi nhà thứ hai, nơi họ có thể chia sẻ, kết nối cộng đồng, đặc biệt là trong mùa đông rét mướt.

 

 


Sự sang trọng toát lên từ vẻ giản dị


 
Phong cách cà phê Vienna còn toát lên ở nghệ thuật bài trí nội thất: kiểu cách, lãng mạn, sang trọng, nhiệt thành. Từ chiếc bình hoa tươi trên bàn, cách đặt chiếc menu, cách trải khăn bàn, đến việc đặt ly, tách, muỗng, xếp các chồng báo cho khách đọc, đặt cái giá áo khoác v.v… chủ nhân quán cà phê luôn chọn lựa hình thức và màu sắc tinh tế. Người thành Viên bao năm qua đã cố bảo tồn không gian của các quán cà phê có từ thế kỷ XIX, dù hiện nay nó đã chật chội. Những bức tranh trên tường đã sờn cũ, những chiếc đàn dương cầm kiểu cổ, những chùm đèn có tuổi đời đã hàng trăm năm… vẫn còn đó như chứng nhân của thời gian.

Cũng giống như ở Đà Lạt có cà phê Tùng vẫn còn lưu dấu chỗ ngồi của Trịnh Công Sơn mấy chục năm trước, khá nhiều trong số các quán cà phê nổi tiếng ở Viên là những nơi đã từng in dấu chân của các nhạc sĩ, họa sĩ nổi tiếng thế kỷ XIX, XX như quán Frauenhuber - quán ưa thích của Mozart. Có nhiều quán cà phê ở Vienna nổi tiếng vì đi vào lời một ca khúc hoặc là nơi lui tới của giới nghệ sĩ đương đại như cà phê Hawelka ở đường Dorotheergasse, quán Griensteindl ở đường Michaelerplatz. Đây là những Wiener Kaffeehaus còn mang những nét rất cổ kính.

 

 


Cà phê Shacher một Wiener Kaffehaus nổi tiếng ở Áo



Nghe nói khách từ phương xa đến thường thích ghé quán Frauenhuber, tự tay sờ vào chiếc bàn, vách tường cũ kỷ của quán cứ như đi ngược thời gian để tìm lại những khoảnh khắc nhà soạn nhạc thiên tài Mozart sáng tạo ra bao giai điệu bất hủ nơi đây. Trong thế kỷ XX, nhiều nhà văn Áo đã viết truyện, làm thơ từ các quán cà phê ở Vienna. Số tác phẩm ra đời như thế nhiều đến nỗi ở đã từng có dòng văn học được gọi là "dòng văn học cà phê" giống như bây giờ mình có “văn học mạng”. Và số quán cà phê “văn chương” này cũng còn được bảo tồn khá nhiều.

Ngay cả cà phê hiện đại vẫn giữ nét tinh tế của phong cách cà phê Vienna. Ví dụ trên tháp Danube cao 252 m hiện nay, du khách có thể đi thang máy lên thẳng quán cà phê trên đỉnh. Quán cà phê ấy xoay được (cứ 30 phút lại quay một vòng). Du khách tới đây vừa nghe nhạc, vừa nhấm nháp cà phê, rượu vang, bia và ngắm cảnh, đặc biệt là nhìn dòng Danube như một dải lụa xanh vắt qua thành phố thơ mộng này!


Thành phố đáng sống nhất hành tinh

Hơn một tuần ở lại Vienna, tôi cứ liên tưởng đến một câu hát viết về Sài Gòn: “càng nhìn, càng thấy đẹp”. Vienna như một cô gái không rực rỡ, không cho ta “cú sét đánh” ngay lần gặp đầu tiên, nhưng mỗi ngày trôi qua, tôi cảm thấy dường như mình phát hiện thêm nhiều vẻ đẹp của sự hài hòa giữa thiên nhiên, cảnh vật và con người, một cái đẹp giản dị mà tinh tế, yên tĩnh mà năng động, cổ kính mà hiện đại. Đã có khá nhiều bài viết về Vienna như một kinh đô của nghệ thuật kiến trúc với những công trình nổi tiếng trên thế giới như cung điện hoàng gia Schonbrunn, nhà thờ thánh Stephan, tòa nhà Quốc hội Áo. Đã có khá nhiều bài viết về dòng Danube, về một thành Viên âm nhạc với tên tuổi của những thiên tài như Mozart, Strauss, Beethoven, Schubert…

Văn hóa cà phê Vienna được hình thành từ vùng đất nên thơ nên nhạc như thế. Văn hóa cà phê của Vienna xuất phát từ tính cách đặc trưng của người dân trên mảnh đất có truyền thống lịch sử khá đặc biệt ở đây: sang trọng, quý tộc mà không… “chảnh”; hiện đại mà rất giản dị. Những con người thành Viên tôi gặp từ cô tiếp viên hàng không, anh cảnh sát, bác tài xế taxi, người nhạc công trên phố đến những nhà báo, ông giáo sư, chị công chức, nhà quản lý đều để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp về sự lịch lãm, hào hoa, nhiệt tình và đúng mực. Đi giữa Vienna, thành phố có nhiều bảo tàng hoành tráng, có nhiều nhà hát quy mô lớn và nổi tiếng, có một hệ thống giao thông hiện đại, có một nghĩa trang đẹp và lớn nhất nhì thế giới...  chợt hiểu vì sao văn hóa cà phê nơi đây đã trở thành di sản của nhân loại, chợt hiểu vì sao người ta xếp nơi đây là thành phố đáng sống nhất hành tinh.

 

 

Phan Văn Tú

 

Others