Trong chuyến trở lại Việt Nam lần này, niềm vui lộ rõ trên gương mặt Therry. Anh đã hoàn thành ý nguyện của bác mình, người đã từng sống những năm tháng tuổi trẻ ở Việt Nam cuối thập kỷ 50 – đầu thập kỷ 60, nay đang ở cái tuổi gần đất xa trời. Therry qua lại giữa Việt Nam và Pháp nhiều lần để hoàn thành một dự án nghiên cứu văn hóa dân gian bản địa của người Việt. Mỗi lần đến Việt Nam, anh còn có một công việc khác, đầy ý nghĩa: chụp ảnh những nơi bác mình đã đặt chân đến và đặc biệt là tìm lại một hương vị mà ông ấy nhớ đến quay quắt: cà phê.
Chúng tôi tìm vào một quán cà phê để hàn huyên. Tôi gọi “nâu nóng” còn Therry chọn cho mình một ly sinh tố đu đủ. “Người già sống bằng ký ức” – Therry bắt đầu câu chuyện. Sau chuyến đi đầu tiên, tôi mang về mấy tấm ảnh chụp Nhà hát Lớn ở Hà Nội và Nhà thờ Đức Bà ở Tp. Hồ Chí Minh. Bác tôi lặng người đi khi nhìn những tấm ảnh, những nét kiến trúc của Pháp vẫn còn giữ lại nguyên si như mới. Kỷ niệm thời trai trẻ như ùa về. Lần đó, ông thích những tấm ảnh nhưng lại chê loại cà phê tôi mang về. Ông rất sành và đam mê cà phê đến lạ lùng. Có lần, vừa pha cho tôi một ly cà phê, ông vừa giới thiệu là cà phê Jamaica thứ thiệt và giảng giải rằng cà phê phải được cảm nhận bằng nhiều giác quan. Đó là thứ nước nhìn tưởng sánh đặc mà hóa ra lại trong văn vắt. Đó là mùi hương thanh tao mà mê hoặc khiến người ta không bao giờ vội vàng thưởng thức mà từ từ hít nó vào thật sâu đến tận tâm can. Vị đắng đót lạ lùng lan tỏa khiến người ta thấy mọi cay đắng trong cuộc đời đều trở nên nhẹ nhàng, dễ chấp nhận. Và sau đó, là một cảm giác bay bổng, như được tiếp thêm sinh lực…
Ông biết nhiều loại cà phê nhưng đặc biệt yêu thích cà phê Việt Nam. Có lẽ thời đó ông có một kỷ niệm đẹp khó quên bên tách cà phê. Lần nào về Pháp, tôi cũng mua tặng ông cà phê, nhưng đến lần thứ bảy, ông vẫn lắc đầu: chưa đúng loại cà phê mà bác đã từng thưởng thức cách đây hơn 40 năm. Đã có lúc tôi nghĩ: hay vấn đề không nằm ở cà phê mà là vì kỷ niệm về bóng hồng mà bác tôi đã có quá sâu sắc? Nhưng đó thật sự chỉ là cà phê, vì sau khi nghe lời khuyên của một anh bạn nhà báo, tôi đã thành công ở lần thứ 8” – Therry cười rất tươi.
Tôi quen Therry ở Buôn Ma Thuột, thủ phủ của cà phê Việt Nam, ngay trong Lễ hội cà phê năm ngoái. Lúc ấy Therry đang chụp cảnh những chú voi bản Đôn đang phủ phục làm lễ rước các thần linh về dự lễ hội. Sau khi làm quen, Therry đề nghị: “Tôi muốn mua loại cà phê ngon nhất ở đây về làm quà. Hãy cho tôi một lời khuyên nhé!”. Thật sự thì tôi cũng chỉ là dân cà phê ai-ma-tơ, chẳng phải rành rọt gì. Câu trả lời của tôi rất “chính trị”. “Đây là lễ hội cà phê lớn nhất Việt Nam, cà phê của mỗi công ty ngon một cách khác nhau. Anh hãy chọn ở mỗi gian hàng một loại cà phê đắt nhất”. Therry đã làm đúng như thế và dù tốn kém hơn, “chuyến hàng” về Pháp trở nên kềnh càng hơn, nhưng lần đó, anh đã giúp bác mình tìm lại đúng thứ hương vị nhớ nhung hàng chục năm. Rất nóng lòng muốn biết bác anh đã chọn loại cà phê nào, tôi định hỏi. Như đoán trước điều đó, Therry ranh mãnh nháy mắt: “Nhà báo ơi, vì anh đã giúp tôi nên tôi sẽ giúp lại anh bằng cách để anh tự tìm hiểu nhé. Tôi có thể nói ngay loại cà phê bác tôi tìm nhưng như thế sẽ mất của anh một tác phẩm nghề nghiệp đáng giá đấy!”.
Và thế là tôi bắt tay vào thiên phóng sự của mình về cà phê. Đây là một phóng sự mà tôi đặc biệt tâm đắc. Ban đầu, tôi đã lao vào nó chỉ vì tò mò muốn biết thực hư về câu chuyện của một người bạn Pháp. Nhưng thật kỳ lạ, sau đó, càng tìm hiểu tôi càng thấy say mê và như một lẽ tự nhiên, trong tôi nảy nở ý thức trách nhiệm với các độc giả của mình.
Thủy Nguyên
Theo:
Phần 2: 1001 kiểu chế biến cà phê
Phần 3: Tự nhiên thì sẽ trường tồn