Có một chuyện vui kể rằng nhiều vườn cà phê của người dân Tây nguyên đang xác xơ, tiêu điều trong thời kỳ bao cấp, thì chỉ thời gian ngắn đã xanh tốt trở lại sau khi hàng rào “ngăn sông cấm chợ” được dỡ bỏ.
Mùa cà phê ở xã Thuận An, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông - Ảnh: N.C.T.
>> Kỳ 1: Đánh thức Tây nguyên
>> Kỳ 2: Cuộc khai phá của điền chủ Việt
>> Kỳ 3: Bước ngoặt
Lãnh đạo ngoài Hà Nội vào ngạc nhiên, hỏi sao nhanh thế? Một cán bộ địa phương ú ớ trả lời: “Hình như bà con có bí quyết phân bón gia truyền”. Vị lãnh đạo này không tin, xuống tận dân hỏi và nghe câu trả lời rất đơn giản: “Có bí quyết, bí mật gì đâu. Giờ chúng tôi mới thật sự làm cho chúng tôi mà”. Chuyện vui truyền khẩu này không biết có bị thêm “mắm muối” gì không, nhưng các chứng nhân cả đời gắn với Tây nguyên đều xác nhận chính cánh cửa đổi mới là động lực lớn thúc đẩy họ tiếp tục gắn bó với cây cà phê...
Hồi sinh
Ông Hồ Hoàng Yến, 82 tuổi, sinh trưởng trong một gia đình đã trải mấy đời trồng cà phê suốt từ những ngày đầu thế kỷ 20 đến nay, trầm ngâm nhớ lại: “Chính tay tôi, kể cả nhiều nông trường khác, đã phải trồng lại hàng loạt diện tích lớn cà phê. Đó là sản phẩm buồn của một thời ồ ạt chạy theo mệnh lệnh tăng nhanh diện tích của những năm cuối thập niên 1970 mà bỏ qua chất lượng”. Ngay trong năm 1986, ông Yến được phân làm giám đốc vực dậy nông trường cà phê 350 mẫu ở Cư Pul, Đắk Lắk. Ngày nhận nhiệm vụ, ông khẳng khái nói với lãnh đạo tỉnh: “Nếu đã tin giao cho tôi, cứ để tôi trồng theo kỹ thuật của mình. Năng suất cao thì Nhà nước, nhân dân cùng hưởng. Năng suất kém, tôi đền”.
Nhận được sự tán thành, ông Yến bắt tay ngay vào công việc. Trên những diện tích đã có cà phê ở Cư Pul, chính ông đi tuyển chọn cẩn thận để giữ lại chỉ những cây tốt, cho nhổ bỏ hết cây xấu. Ông nhận lo cuộc sống cho tất cả 2.500 người, nhưng thực chất chỉ có 500 lao động thường xuyên. Số lao động này được ông phân thành năm đội để tổ chức quản lý chặt chẽ. Đầu tiên, ông cho cày lại đất và phải cày đến độ sâu 50-60 cm. Có người phàn nàn làm vậy quá mất thời gian và tốn kém xăng dầu. Nhưng ông vẫn yêu cầu làm đúng quy cách, rồi nói nếu bây giờ không tốn một thì mai mốt sẽ tốn mười để trồng lại. Sau đó, ông cho đào các hố sâu đúng 50cm và rộng 60cm, để hạ cây giống đã được tuyển chọn kỹ từ những cây tốt nhất.
Học nghề trồng cà phê của người Pháp theo kiểu vườn hình vuông ngang 30 gốc cà phê, dài 30 gốc, nhưng ông Yến sáng tạo kiểu trồng hình chữ nhật ngang 20, dài 40 và vẫn giữ đúng khoảng cách giữa các cây 3m. Phương pháp này giúp người lao động dễ vào vườn chăm sóc, bón phân, kéo dây tưới nước. Đặc biệt, trước đó các nông trường cho hạ hết cây tán lớn để lấy đất trồng cà phê 100% phơi trần trong nắng ảnh hưởng không tốt đến chất lượng trái cà phê. Ông cho trồng rải rác các cây keo có tán râm vừa phải ngay trong vườn cà phê. Đây là kinh nghiệm có từ thời đồn điền Pháp để trái cà phê có độ lớn và hương vị sâu đậm nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất mà ông thực hiện là giảm bớt chỉ tiêu lao động của từng người. Trước đó, nhiều nông trường vì khoán chỉ tiêu quá cao nên sinh ra làm ẩu cho xong việc.
Chỉ vài năm sau, Nông trường cà phê Cư Pul của ông Hồ Hoàng Yến vươn lên thành kiểu mẫu ở Tây nguyên. Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười về tận nơi thăm, khuyến khích nên phát triển mô hình trồng cà phê của ông Yến.
Cùng thời gian này, hàng loạt nông trường cà phê Tây nguyên cũng tái đầu tư cây trồng. Nhiều diện tích phải nhổ bỏ, trồng mới, một số được đầu tư chăm sóc thêm phân bón, nước tưới. Việc dỡ bỏ hàng rào “ngăn sông cấm chợ” đã thật sự phả sinh khí vào các vườn cà phê. Ông Nguyễn Văn Năm, 85 tuổi, người từng trồng cà phê suốt từ năm 1954 ở Buôn Ma Thuột, xúc động nhớ lại bước ngoặt sinh tử của cây cà phê Tây nguyên: “Lúc này, chúng tôi gần như ăn ngủ ngoài vườn cà phê. Có người dốc cả vàng giấu trong lon sữa bò chôn dưới nền nhà ra để tái đầu tư vườn. Không còn cảnh lén lút bán chợ đen để suốt ngày lo bị bắt, bị lập biên bản tàng trữ trái phép cà phê của chính mình. Ai cũng hào hứng đổ mồ hôi trên đất...”.
Năng suất vườn cà phê của ông Năm nhanh chóng vọt lên gấp rưỡi. Còn ông Yến thì nhớ chỉ một lượt thu hoạch chính vụ đầu tiên, Nông trường Cư Pul đã thu lại toàn bộ vốn đầu tư ban đầu. Trong lúc đó, hàng loạt nông trường cà phê lớn như Việt Đức, Drao, Thắng Lợi, Tháng Mười, Ea Poc, Phước An... cũng chuyển mình sang một giai đoạn phát triển mới theo quy luật thị trường.
Ra chợ thế giới
Làn gió mát đổi mới đã mở toang cánh cửa cho thương hiệu cà phê Việt cũng như nhiều mặt hàng khác của đất nước được tự do bước vào ngôi chợ lớn của thế giới. Phương thức thuận mua vừa bán theo quy luật cung cầu của thị trường khác hẳn với một đầu ra ở Đông Âu trước đây. Có doanh nghiệp nhà nước quen được cầm tay chỉ việc, bao tiêu toàn bộ thì xem đây là “cú sốc” lớn. Nhưng nhiều người lại phấn chấn trước cơ hội mới, một cuộc chơi sòng phẳng.
Suốt những năm cuối thập niên 1980 và bước sang thập niên 1990, Tây nguyên một lần nữa bị đánh thức bởi phong trào trồng cà phê. Ngoài những lớp người đã sống chết với cây cà phê suốt từ nửa đầu thế kỷ 20 như ông Yến, bà Triều, bà Sáu, ông Năm, ông Khuyến..., nhiều dòng người mới lại đổ lên miền đất đỏ màu mỡ này với ước mơ đổi đời. Chuyện sang nhượng vườn tược rồi ồ ạt khẩn hoang, phá rừng tiếp tục diễn ra rầm rộ vào thời kỳ này. Suốt nhiều năm liền cà phê được xem là cây làm giàu chính của Tây nguyên.
Thời ấy, mỗi lần lang thang lên Tây nguyên là tôi được nghe biết bao chuyện buôn làng biệt thự, xóm kinh tế mới giàu lên từ cây cà phê. Ông Cao Hải Hoành, một người Hoa ở Sài Gòn là “con buôn” lén lút cà phê thời kỳ “ngăn sông cấm chợ” rồi trở thành nhà buôn lớn thời kỳ này, vẫn nhớ: “Lúc đó, người trồng cà phê ở Tây nguyên mới bung ra tất cả các mặt. Từ mặt lao động đến mặt tiêu xài, sắm sửa vật chất cho cuộc sống. Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Pleiku, Kon Tum sau một thời kỳ bao cấp trầm lắng, đìu hiu cũng nhộn nhịp hẳn lên”. Ông Hoành kể lúc đó ông chỉ đưa xe máy và các đồ điện tử lên Tây nguyên bán rồi chở cà phê về cũng sống khỏe. Lãi buôn cà phê không còn cao như thời chợ đen lén lút, nhưng bù lại được vận chuyển tự do số lượng nhiều.
Tuy nhiên, con đường phát triển tự do của thị trường cà phê cũng có những giai đoạn giảm sâu theo đúng quy luật của nó. Ngay “thủ phủ” cà phê Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ những năm 2000, tôi đã từng bần thần nhìn cảnh nhiều gốc cà phê bị nhổ bỏ, đốt rụi, nhiều vườn tược bị sang nhượng, lao động cà phê phải chuyển nghề. Nhiều nông dân vác cả bao cà phê ra bán cũng không mua nổi đôi dép cho con đi học, nằm trên cả núi cà phê mà vỡ nợ...
Rồi bây giờ, lên Tây nguyên mùa lễ hội cà phê 2011, nghe râm ran chuyện vui giá đã vọt lên mức kỷ lục trên 40.000 đồng/kg. Sau nước mắt đã có nụ cười. Cà phê Tây nguyên, huyền thoại từ hạt cho tới tách cà phê, đã thấm đẫm mồ hôi, nước mắt của bao lớp người...
______________________
Không chỉ sinh kế mà cà phê còn dần thấm sâu vào đời sống văn hóa người Việt. Và không đâu bằng Sài Gòn khi cà phê là sinh khí của mỗi sớm mai thức dậy, là tri kỷ, tri âm...
Kỳ tới: Sài Gòn, cà phê xưa...