TIN NỔI BẬT
Không chỉ lượng cà phê bạn uống mà thời gian uống cũng ảnh hưởng khác ...
4-5 tách cà phê/ngày giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Hành trình cà phê Việt - Kỳ 2: Cuộc khai phá của điền chủ Việt

 

  Tôi ngồi lặng bên ly cà phê, nghe câu chuyện về hành trình xây dựng đồn điền cà phê riêng của đôi vợ chồng người Việt từ cách đây hơn nửa thế kỷ. Đã sang tuổi 80, bà Nguyễn Thị Hữu Lý nhớ những ngày đầu cùng chồng là ông giáo Lê Văn Triều lên Buôn Ma Thuột.
 


Hành trình cà phê Việt - Kỳ 1: Đánh thức Tây nguyên

 

 

Đó là năm 1950, ông Triều có chữ, được mời dạy học ở đồn điền CADA. Chính thời gian này, ông học được kỹ thuật trồng cà phê trên miền đất đỏ bazan.

 

 

Thế hệ thứ hai, con trai ông Triều vẫn gắn bó với nghề trồng cà phê của cha - Ảnh: Quốc Việt

 



Không cam chịu làm phu
 



Dành dụm tiền lương, ông bà Triều cùng người bạn Nguyễn Đức Hường tìm mua đất du canh của người dân tộc bỏ hoang ở Buôn Ma Thuột. Ông mua 10 mẫu, bạn ông mua 12 mẫu. Nhưng lúc đó họ chưa có tiền để trồng hết diện tích cà phê. Ngoài giờ dạy học, vợ chồng ông Triều ngày ngày vào vườn khai khẩn dần mảnh đất bỏ hoang um tùm cây cỏ. Mỗi năm họ chỉ trồng được 1-2 mẫu cà phê. Sau vài năm, đồn điền của họ đã phủ xanh gần kín.

 



Cùng một số người Việt hiếm hoi tự trồng được cà phê ở Buôn Ma Thuột lúc đó như Nguyễn Đức Trung, Nguyễn Đức Hường, Hồ Hoàng, ông bà Triều đã nhanh chóng gây bất ngờ cho chính điền chủ người Pháp. Hầu hết họ đều từ tay trắng đi lên và trồng được cà phê chất lượng không hề thua kém người Pháp. Thuở đầu, ông Trung phải nuôi bò để lấy vốn phát triển đồn điền. Cha con ông Hồ Hoàng thì làm thuê cho chính đồn điền CADA để dành dụm tiền mua đất dần dần.

 



Vợ chồng giáo Triều ít vốn, chỉ nuôi hai gia đình lao động trong nhà. Mùa thu hoạch, họ mới dám thuê thời vụ thêm vài nhân công. Từ sáng đến tối mịt, ông bà Triều thay nhau đổ mồ hôi cùng người làm trên vườn. Họ cẩn thận cày sâu, rồi đào từng lỗ trồng sâu đúng 50cm, rộng 50cm. Cây cà phê giống xin của CADA nhờ ông Triều là giáo viên ở đây. Những chủ vườn người Việt khác còn lặn lội rừng ven đồn điền Pháp để tìm cây giống mọc dại từ hạt cà phê chồn, chim ăn.

 



Hồi tưởng chuyện xưa, bà Triều tâm sự: “Hồi năm 1950, tụi tôi trông hoàn toàn vào ông trời. Cây cà phê vẫn tốt tươi nhờ núi rừng còn rậm rịt, mưa thuận gió hòa. Mãi sang năm 1960, một số đồn điền mới bắt đầu dùng máy tưới, nhưng cũng chỉ vài lần mỗi năm. Phân bón cũng ít sử dụng. Về sau, kỹ sư canh nông từ Sài Gòn mới lên nghiên cứu đất, tư vấn dùng thêm phân bón thích hợp”.

 



Sau vụ trái bói, năng suất cà phê robusta của nhà giáo Triều đạt gần 3 tấn/ha. Các vườn ông Hường, cha con ông Hồ Hoàng Yến cũng không thua kém. Năng suất đồn điền người Việt còn cao hơn cả đồn điền Pháp nhờ nhiều công chăm sóc trực tiếp. Đây là sản lượng khá cao vào thời điểm đó nếu so với vốn liếng đầu tư, mà đặc biệt là cách trồng tôn trọng tự nhiên, giữ được độ màu của đất.

 



Sau năm 1954, Đắk Lắk dần xuất hiện thêm các vườn cà phê nhỏ từ sự chắt chiu và mồ hôi của người di cư. Hầu hết họ đều xuất phát từ buôn bán nhỏ hay làm thuê để dành dụm mua dần vài hecta đất, trồng dần từng sào cà phê. Thậm chí nhiều người còn vào tận các vùng xa để khai khẩn đất rừng và chính thức biến kỹ thuật trồng cà phê không còn là của riêng các điền chủ lớn. Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng nhiều chứng nhân của thời kỳ này như ông Khuyến, ông Năm, bà Trước, bà Sáu... vẫn ngày ngày giẫm chân trên miền đất đỏ thơm mùi cà phê.

 



Cùng thuở đầu trồng cà phê của người Việt, đồng bào dân tộc ở Buôn Ma Thuột cũng sơ khai có vườn cà phê riêng. Già làng 82 tuổi Ama H’rin ở buôn Aco Dhong, ven TP Buôn Ma Thuột, đã kể huyền thoại về những rễ cây cà phê đầu tiên của người dân tộc trên miền đại ngàn này. Đầu thập niên 1950, các nữ tu Pháp đến đây, thành lập buôn Aco Dhong. 37 mái nhà người Ê Đê quây quần trên mảnh đất 40ha có hồ nước quanh năm. Ama H’rin là người đầu tiên được ông Triều, ông Trung cùng các linh mục Pháp truyền dạy kỹ thuật trồng cà phê.

 



Sau đó, Ama H’rin truyền lại cho đồng bào. Chỉ vài năm, 40 ha đất Aco Dhong đã như đồn điền cà phê riêng của người dân tộc. Họ thực hiện “cộng sản” cùng làm, cùng hưởng. Chính già Ama H’rin đứng ra chia lợi tức cà phê. Về sau, đồng bào dân tộc khác tiếp tục đến đây học nghề để về buôn làng mình tự làm vườn riêng. Đến khi các nữ tu về Pháp, Aco Dhong vẫn là buôn làng kiểu mẫu tổ chức theo kiểu đồn điền ở Buôn Ma Thuột. Cùng trồng trọt cùng hưởng, người làng có mức sống khá cao và đa số đều được học chữ...

 



Những thương lái cà phê đầu tiên

 



“Chỉ có một số ít đồn điền lớn của người Pháp chủ động được đầu ra sản phẩm. Còn hầu hết đều phải qua thương lái mà chủ yếu là người Hoa từ Sài Gòn lên” - bà Triều tâm sự một thời chỉ biết sản xuất cà phê, còn bán buôn phải trông người khác. Mỗi năm chuẩn bị vụ thu hoạch cà phê, thương lái người Hoa tìm đến từng đồn điền xem xét năng suất, chất lượng và thỏa thuận giá cả trước. Nhiều khi lên hàng, nhà buôn cũng chẳng cần có mặt. Họ ngồi ở Sài Gòn chờ các hãng vận tải chở hàng về.

 



Ngoài mua đứt bán đoạn, nhà buôn người Hoa còn ước lượng năng suất để bao tiêu toàn bộ và ứng tiền trước. Những đồn điền lớn, mạnh vốn, giữ sản phẩm đến lúc được giá mới bán. Các chủ vườn nhỏ thường thiệt thòi hơn. Ông Vũ Hữu Khuyến, 83 tuổi, chủ cửa hàng sơn Ngọc Linh trên đường Phan Bội Châu, Buôn Ma Thuột, tâm sự: “Di cư năm 1954, tôi mất gần 10 năm bòn mót mới gầy dựng được vườn cà phê vài mẫu. Nhưng tôi không thu được lợi tức bao nhiêu vì thiếu vốn, thường xuyên phải ứng tiền trước của nhà buôn. Họ chỉ nhìn qua vườn có trái là sẵn sàng cho ứng ngay, bù lại giá cũng hay bị thấp”.

 



Đến giờ, bà Triều vẫn nhớ những hãng buôn Phương Toàn, An Po thường xuyên mua cà phê của bà. Họ không trồng cà phê nhưng dày kinh nghiệm đánh giá chất lượng. Chỉ nhìn hạt cà phê họ cũng biết được trồng ở Buôn Ma Thuột hay Buôn Hồ. Chỉ ngửi hương cà phê đã xay, họ cũng biết là sản phẩm đồn điền ông Triều, ông Hoàng hay CADA, CHPI. Chính vì vậy, chất lượng luôn được điền chủ đặt hàng đầu.

 



Họ chỉ hái trái chín đỏ. Trái xanh hay bị hư lẫn vào một ít cũng bị lựa bỏ. Danh tiếng thương hiệu lớn như CADA được chú trọng đến mức hạt cà phê sau khi tách còn sàng lựa lại hai lần bằng cả máy móc và tay người. Phụ nữ lựa lại cuối cùng. Sản phẩm họ chọn tuyển được kiểm tra cẩn thận trước khi vào bao. Nếu còn lẫn hạt xấu, vỡ hay sỏi đá, họ phải lựa lại và bị trừ lương.

 



Các đồn điền cà phê người Việt cũng cạnh tranh chất lượng với người Pháp. Họ chủ yếu dùng phân hữu cơ từ mùn lá và chất thải chăn nuôi nên trái cà phê luôn to đều, căng mọng, hương vị đậm sâu. Khâu chọn sản phẩm chất lượng trước khi đóng bao còn được chính điền chủ người Việt kiểm tra cẩn thận. Họ đóng mác đồn điền riêng của mình như Lê Văn Triều, Nguyễn Đức Hường, Hồ Hoàng Yến... như là sự bảo chứng chất lượng không nhầm lẫn với sản phẩm đồn điền Pháp.

 



Cứ thế, mồ hôi người Việt thấm dần trên miền đất đỏ Tây nguyên. Đến năm 1975, diện tích cà phê Đắk Lắk lên khoảng hơn 8.000ha. Và sự kiện thống nhất đất nước ngày 30-4-1975 đã chuyển hành trình cà phê Việt sang bước ngoặt mới...

 

 

QUỐC VIỆT


_______________

 

Một cuộc “cách mạng” mở rộng diện tích cà phê được ồ ạt tiến hành. “Con buôn” cũng bị dẹp bỏ. Trong sự thành công cũng lộ diện nhiều bất cập.

 

Kỳ tới: Bước ngoặt

Tin khác