TIN NỔI BẬT
Không chỉ lượng cà phê bạn uống mà thời gian uống cũng ảnh hưởng khác ...
4-5 tách cà phê/ngày giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng,...
Góc báo chí | Bản tin Công ty | Cà phê 360 độ
Cà phê Việt Nam, vấn đề của một cường quốc - Bài 1: Cà phê và chất lượng

Theo dự báo của các nhà chuyên môn, năm 2011, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ đạt 2 tỷ USD; chỉ đứng sau xuất khẩu gạo.

Gắn bó và trường tồn cùng dân tộc suốt chiều dài lịch sử bốn ngàn năm, lúa gạo không chỉ là một sản phẩm nuôi sống con người mà còn là sức lực tiềm tàng của đất nước, góp phần định hình dân tộc, xây dựng Tổ quốc của con cháu Lạc-Hồng.

Còn cà phê là một loại cây mới du nhập vào nước ta khoảng hơn một thế kỷ nhưng nhiều người đã xem Việt Nam là một cường quốc cà phê, xét về sản lượng. Tuy nhiên, Việt Nam phải làm gì để thật sự trở thành cường quốc cà phê?

Bài 1: Cà phê và chất lượng

Hiện nay, nước ta có 500.000 ha trồng cà phê, cho sản lượng khoảng trên dưới 1 triệu tấn/năm. Dự báo, niên vụ cà phê 2010-2011 tổng sản lượng cà phê của nước ta đạt khoảng 18,8 triệu bao. Nếu so với tổng sản lượng cà phê toàn thế giới khoảng 120,6 triệu bao thì cà phê Việt Nam chiếm tỷ trọng lớn. Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, sau Braxin, kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đạt 1,7 tỷ USD.

 

Thu hoạch cà phê tại hộ gia đình đồng bào ở xã Ea Bông, huyện Krông Ana (Đắk Lắk). Ảnh: Đình Na - TTXVN



Có thể nói, từ các vùng đất đỏ Tây Nguyên, Đông Nam bộ tới các tỉnh khu vực Tây Bắc và Nghệ An, Quảng Trị…, cà phê đã thật sự là một loại cây trồng cho thu nhập cao.
 
Nhiều hộ nông dân trồng cà phê không chỉ thoát nghèo mà còn có cuộc sống khá giả. Còn nhớ vào khoảng những năm 1990, chính cây cà phê đã tạo nên những vùng giàu có với những “biệt thự cà phê” lộng lẫy giữa buôn ngàn Tây Nguyên hay giữa miền đất đỏ Đông Nam bộ hoặc ít ra là những “ô tô cà phê” hay là “dream cà phê” trong nhiều gia đình.

Hồi đó, đi đâu cũng nghe người ta nói về cà phê với những kỳ vọng lớn lao cho một cuộc sống khá giả vững bền trong tương lai. Nhưng sau một hồi nóng lạnh của thị trường, cây cà phê có lúc đã phải nhường chỗ cho những toan tính của người nông dân với cây cao su, điều, tiêu. Theo đó, rất nhiều vườn cà phê đã bị chặt phá hoặc bị bỏ đói không chăm sóc.
 
Nhưng cà phê, dù trải qua thăng trầm thế nào thì vị trí của nó vẫn được xác định trong những vùng cao; đặc biệt là những vùng đất có độ chênh lệch nhiệt độ lớn giữa ngày và đêm.

Tại những vùng này, người nông dân chuyên canh cây cà phê ngày càng có kinh nghiệm; và quan trọng hơn hết là, nước ta đã thật sự hình thành một thị trường cà phê hết sức sôi động. Nghề trồng cà phê cũng tác động đến đời sống của hàng triệu người trong nhiều vùng miền của đất nước, đặc biệt là vùng dân tộc và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, lại càng có ý nghĩa hơn khi mà ngành cà phê góp phần thiết thực vào mục tiêu rút ngắn khoảng cách phát triển giữa miền núi và miền xuôi. Từ nghề trồng cà phê, nước ta cũng có ngành công nghiệp chế biến cà phê.

Theo đó, có các sản phẩm cà phê đáp ứng nhu cầu đông đảo của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; hình thành nên một thói quen mới là uống cà phê trong đời sống thường nhật.

Với cà phê, là một đồ uống, thuộc vào phạm trù ẩm thực. Do vậy, đòi hỏi một quá trình liên hoàn từ vun trồng, chăm bón sao cho ra những hạt cà phê đủ dinh dưỡng, sạch rồi đưa vào chế biến bằng những thiết bị hiện đại nhất để cho ra sản phẩm cà phê vừa thơm ngon về mùi vị, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; và quan trọng hơn, để có thương hiệu cà phê Việt Nam vừa hàm chứa tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt Nam lại vừa là một sản phẩm có hàm lượng chất xám cao làm tăng giá trị.

Đây có thể được xem là một tiêu chí đối với một “cường quốc cà phê”. Bởi lẽ, dù sản lượng cà phê nhân có đạt được 1 triệu tấn hoặc có tăng lên cao hơn nữa nhưng nếu không có công nghiệp chế biến cà phê thì việc xuất khẩu cà phê nhân - có nghĩa là xuất thô - sẽ không mang lại hiệu quả kinh tế cao; đặc biệt là với người trồng. Một khi không tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người trồng cà phê thì chưa thể nói là ngành cà phê phát triển bền vững.

 

Công nhân đóng gói cà phê hòa tan 3 trong 1



Theo số liệu mới đây của Vicofa, hiện nay cả nước ta sản xuất được 20.000 tấn cà phê hòa tan và cà phê rang xay/năm; mà chủ yếu là tiêu dùng nội địa. Phần lớn sản lượng xuất khẩu là cà phê nhân.
 
Cà phê nhân là nguyên liệu cho công nghiệp chế biến cà phê, vì thế, dù chất lượng cà phê nhân của nước ta có cao đến đâu mà không có các sản phẩm chế biến sâu thì không thể có thương hiệu mạnh. Dù các doanh nghiệp có tổ chức các chiến dịch quảng bá thương hiệu rầm rộ và tốn kém mà không có sản phẩm chất lượng cao, cà phê không tinh khiết, thì chỉ làm cho người tiêu dùng thêm nghi ngờ vào chất lượng sản phẩm và đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

Do vậy, cùng với quảng bá sản phẩm sao cho “thực xứng với danh” các doanh nghiệp trong ngành cà phê cần có chiến lược đầu tư cho công nghiệp chế biến sâu để có những sản phẩm cà phê "Made in Vietnam” mang tầm của một cường quốc cà phê. Khi mà người tiêu dùng thế giới mỗi sáng cầm trên tay cốc cà phê Việt Nam thì mặc nhiên lúc ấy những hộ nông dân trồng cà phê sẽ nhìn thấy hào quang của “thiên đường” cà phê.

Ở đây cũng cần phải nhắc lại một hiện trạng hay là một tồn tại đối với người trồng cà phê trong khâu thu hoạch. Rằng, ở nhiều vùng trồng cà phê và thậm chí ngay tại Đắk Lắk, nơi được xem là “thủ phủ” của cà phê Việt Nam, người trồng cà phê vào mùa thu hoạch cho hái cả những hạt cà phê xanh để giảm chi phí lao động, đã, đang và sẽ tác động không tốt đến chất lượng cà phê và ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín của cà phê Việt Nam.

Ông A Ma Phong, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk có lần đã nói: “Khi sang Đức tôi được thăm gian hàng cà phê. Cà phê nhân của người ta thì mười phần bị loại 3 còn 7, cà phê của ta ngon nhưng 10 phần bị loại 7 còn 3, nghĩ mà thấy buồn”.

Có lẽ nỗi buồn về chất lượng cà phê không phải của riêng ai, bởi với cà phê chế biến đã mấy nhà sản xuất cam kết chỉ sản xuất cà phê nguyên chất, không dùng chất phụ gia, ngoại trừ Vinacafe và một vài thương hiệu nhỏ khác?

Đối với người trồng, ngoài nông dân vùng Tây Bắc và một số ít nơi nữa, có bao nhiêu hộ nông dân tự giác chỉ thu hái những trái cà phê chín? Một khi cà phê thuần túy chạy theo lợi nhuận, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng dễ dãi của nhiều người thì chất lượng sẽ càng ngày càng bị giảm sút. Và như vậy, thương hiệu cà phê Việt Nam sẽ không xứng tầm với một “cường quốc cà phê”.

Để có những sản phẩm cà phê đạt tầm thương hiệu quốc gia, quốc tế, như nhiều người nói, không thể cứ nhìn vào chương trình quảng cáo hay các sự kiện maketing đình đám của các doanh nghiệp mà trước hết phải nhìn về vùng nguyên liệu, về người nông dân trồng cà phê; sau đó là nhìn vào ngành công nghiệp chế biến cà phê, nơi cho ra các sản phẩm cà phê “Made in Vietnam” và đưa đến tận tay người tiêu dùng.

 

 

Nguyễn Quang Vinh

 

Bài 2: Cái gốc của cà phê - Người trồng

Tin khác