SALIENT NEWS
Không chỉ lượng cà phê bạn uống mà thời gian uống cũng ảnh hưởng khác ...
4-5 tách cà phê/ngày giúp giảm nguy cơ ung thư đại tràng,...
Company in the News | Company highlights | About coffee
Cà phê nào ngon nhất ?

  Từ thế kỷ XIX, cây cà phê đã theo chân người Pháp đến và bén rễ trên đất Việt Nam. Ngoài tính chất chung mạnh vị - đậm hương của cà phê Robusta và Arabica, mỗi vùng đất còn cho một hương vị cà phê quyến rũ riêng tùy thuộc vào hương thổ của nơi đó. Đã bao giờ bạn thắc mắc rằng loại hạt cà phê của vùng nào ngon nhất hay chưa?

Danh tiếng vùng đất Tây Nguyên

Khi nói đến cây cà phê Việt Nam phải kể đến những vùng nguyên liệu tại Tây Nguyên như Đắk Mil (Đắk Nông), Đắk Hà (Kon Tum), Chư Sê (Gia Lai) … và đặc biệt là Buôn Ma Thuột - Đắk Lăk ,“vựa” cà phê Robusta xuất khẩu đứng đầu thế giới.

 

Cà phê mùa thu hoạch

 

Với đặc điểm thổ nhưỡng đất đỏ bazan, ở độ cao khoảng 500m - 600m so với mặt biển cùng khí hậu mát mẻ mưa nhiều, Tây Nguyên rất phù hợp với cây cà phê Robusta và qua hàng trăm năm, cà phê Robusta ở đây đã trở nên danh tiếng. Tính chất chung của cà phê Tây Nguyên có hàm lượng caffeine mạnh, vị đậm, và ít chua song mỗi vùng đất lại mang đến mỗi vị khác nhau. Có khi đó là vị ngậy của bơ, dầu hoặc vị của caramen, cũng có khi là vị của nắng, gió cao nguyên….


Tuy cùng sống trên đất Tây Nguyên nhưng cà phê Cầu Đất (Lâm Đồng) lại có sự khác biệt hẳn. Đó là hương thơm quyến rũ của cà phê Arabica. Ở độ cao trên 1.500m, có nhiều vùng đồi dốc thoải cùng khí hậu mát mẻ với nền đất đỏ bazan, Cầu Đất là vùng đắc địa, lý tưởng nhất cho giống Arabica phát triển và sản sinh ra hạt cà phê Arabica có chất lượng được đánh giá ngon nhất nhì thế giới. Cà phê Cầu Đất được xem là “Bà hoàng” của các loại cà phê nhờ hương thơm quyến rũ đặc biệt của nó.

Xứ sở cây cà phê?

Không hẳn chỉ Tây Nguyên là xứ sở của cây cà phê. Ngoài cà phê Robusta và cà phê Arabica Cầu Đất nổi tiếng, Việt Nam còn có vùng cà phê chè Tây Bắc đã có lịch sử cả trăm năm. Điện Biên, Sơn La và một số tỉnh khác có điều kiện thích hợp với yêu cầu sinh thái của giống Bourbon (thuộc họ Arabica), đặc biệt cà phê Chiềng Ban - Sơn La có chất lượng khá cao. Tuy không phải là vùng đất đỏ bazan và không nằm ở độ cao lý tưởng như các vùng đất Tây Nguyên, song Sơn La có những loại đất trong nhóm đất đỏ vàng thích hợp với cây cà phê như Fk, Fv, Fs,… và nằm ở vĩ độ khá cao về phía bắc (20039’ - 22002’ vĩ độ Bắc). Cà phê Sơn La được bón phân hữu cơ, đặc biệt không phải tưới nước nhưng vẫn có sức sống mãnh liệt. Nhiều cây vài chục năm tuổi, thân to, tán rộng mà hạt cà phê có hương vị không hề thua kém so với giống cây mà người Pháp đã trồng ở Lâm Đồng từ những năm 30.

 

Cà phê Đà Lạt (Lâm Đồng)

 

Khu vực Trung bộ nước ta cũng có những vùng đất như Khe Sanh – Quảng Trị, Phủ Quỳ - Nghệ An thích hợp với loại cà phê Arabica, đặc biệt là giống Catimor (loại được lai giữa chủng Caturra với Hybrid de Timor). Cùng thuộc họ Arabica, tuy không có vị ngọt đậm như Bourbon nhưng Catimor cũng có hương thơm sâu lắng và vị chát, mặn.

Phong phú hương vị cà phê

Cà phê Robusta có thế mạnh và đa dạng ở vị thì cà phê Arabica lại phong phú về hương. Cà phê Buôn Ma Thuột có vị đắng dịu mang đến cho người dùng sự táo bạo và quyết đoán, cà phê Đắk Mil chua thanh đem lại sự trầm tư và sâu sắc. Người ta có thể cảm nhận được sự hoan hỉ, nồng nhiệt của cà phê Đắk Hà, Chư Sê hay sự sục sôi đầy chất lửa của cà phê Long Khánh, Đồng Nai.

Qua các nghiên cứu, phân tích các chuyên gia đã tìm ra hơn 700 loại hợp chất tạo nên hương thơm ẩn chứa trong cà phê. Nếu như cà phê Cầu Đất có hương của hạnh nhân, của hoa quả kích thích cảm giác lâng lâng, bay bổng thì cà phê Tây Bắc lại đem đến sự sang trọng ngất ngây bởi mùi rượu vang pha chút quế hồi. Cà phê Khe Sanh, Phủ Quỳ có mùi tử đinh hương và vị nóng của những cơn gió Phơn tây nam từ đất Lào thổi qua.

Các yếu tố như khí hậu, thổ nhưỡng, giống cây, kĩ thuật chăm sóc,… đã tạo nên hạt cà phê từng vùng mang hương và vị đặc trưng riêng. Và để có được loại cà phê ngon nhất nhà sản xuất biết tuyển chọn những hạt cà phê chất lượng nhất của các vùng và tìm ra bí quyết kết hợp, phối trộn nhiều loại hạt để đem đến ly cà phê mang hương vị hợp với sở thích và khẩu vị người thưởng thức.

 

 

Đoàn Triệu NhạnChuyên gia cao cấp

 

 

Others