Cà phê tan sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Người tiêu dùng trong nước chỉ biết một nhãn mác cà phê hòa tan là Vinacafe của Nhà máy Cà phê Biên Hoà. Trong khi nhu cầu sử dụng của khách hàng mỗi năm lên tới 5.600 tấn cà phê loại này thì năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ đạt 300-400 tấn.
Như vậy, mặc dù mỗi năm nước ta thu hoạch được trên 400.000 tấn cà phê nhân nhưng vẫn phải nhập về hàng nghìn tấn loại hòa tan. Theo ông Đoàn Triệu Nhạn, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, trong tương lai Việt Nam vẫn chú trọng tới xuất khẩu cà phê nhân, vì thế việc chế biến cà phê hòa tan sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài Nhà máy Cà phê Biên Hòa công suất 100 tấn cà phê hòa tan/năm và Xưởng chế biến Cà phê Ngọc Hồi (Hà Nội), công suất 200 tấn cà phê sữa tan/năm, Việt Nam còn có một vài công ty tham gia vào lĩnh vực này với công suất tương đương hoặc hơn chút ít. Tràn ngập trên thị trường hiện nay là các nhãn hiệu ngoại nhập nổi tiếng thế giới như Nestlé, Con ó...
Ông Nhạn cho rằng, các sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các thương hiệu vốn đã quá nổi tiếng này. Hơn nữa, chúng thường xuyên được quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng với thời lượng lớn, hấp dẫn trong khi cà phê hòa tan của Việt Nam thì hầu như im ắng.
(Theo Đầu Tư)